Thứ Năm, 22/02/2024, 11:00

Thành công nhân rộng mô hình nuôi cua biển 02 giai đoạn trong ao

Năm 2023, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi đã “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn trong ao tại xã Thạch Hạ”. Mô hình thành công đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ hộ và tạo điểm tham quan học tập nhân rộng mô hình cho các hộ dân ở các địa phương lân cận.

Là địa bàn trung tâm tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Hà Tĩnh được bao quanh bởi sông Rào Cái, sông Cày và có hệ thống đê bao cơ bản hoàn chỉnh nên nghề nuôi trồng thủy sản rất phát triển có nhiều lợi thế. Toàn thành phố có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 400 ha; trong đó diện tích nuôi trồng nước ngọt là 154 ha, diện tích nuôi trồng mặn lợ là 246 ha, tập trung phát triển ở vùng nuôi trọng điểm như xã Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Hưng,… với đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá đối mục và một số đối tượng nuôi đặc sản.

Cua biển là một trong những loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh, ở các xã Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Hưng, phường Đại Nài… có một số hộ dân đã đưa cua biển vào nuôi nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến xen ghép với tôm sú – cua – cá. Cua biển được thả nuôi với mật độ thấp (khoảng 1con/10m2). Nguồn giống và thức ăn chủ yếu thu gom từ tự nhiên, không đảm bảo về chất lượng nên tỷ lệ sống theo thống kê hàng năm chỉ đạt khoảng từ 5 – 10%. Do đó, năng suất và hiệu quả kinh tế không cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Với mục tiêu xây dựng mô hình nuôi cua mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, thích ứng được với điều kiện khí hậu, môi trường, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, tạo nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năm 2023, sau khi khảo sát, nghiên cứu chủ trương và điều kiện thực tế của Thành phố, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Thành phố Trung tâm đã quyết định xây dựng mô hình “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn trong ao tại xã Thạch Hạ” có quy mô 10.000 m2 anh Trần Viết Phương – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thành phố chia sẽ.

Chủ mô hình, anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ cho biết: “Sau các đợt khảo sát, đánh giá các điều kiện, tiêu chuẩn đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện mô hình thì gia đình anh đã được chọn. Quá trình triển khai thực hiện, gia đình được tham gia tập huấn và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, lãnh đạo Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo kịp thời. Cua được ương từ cỡ hạt me (5g/con) lên đến kích cỡ 200 g/con rồi chuyển sang nuôi giai đoạn 2. Sau 6 tháng nuôi, với số lượng giống thả 20.000 con, tỷ lệ sống giai đoạn 1 là 50%, giai đoạn là 45%, cỡ thu hoạch đạt 0,32-0,35 kg/con, sản lượng cua thương phẩm thu hoạch được 1.575 kg cho doanh thu trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 150 triệu đồng”.

Toàn cảnh mô hình nuôi cua 2 giai đoạn tại hộ anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ

Trao đổi kinh nghiệm để nuôi cua 02 giai đoạn thành công, chị Hồ Thị Diệu Hồng – Cán bộ chỉ đạo mô hình chia sẽ: “Mô hình nuôi cua 2 giai đoạn có khả năng nhân rộng tốt, người nuôi chăm sóc và quản lý tốt hơn nhất là về cho ăn, kiểm tra môi trường, sức khỏe nên hạn chế được hao hụt thức ăn, phát sinh bệnh dịch, tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của cua cao hơn. Tuy nhiên đối với Hà Tĩnh khí hậu khắc nhiệt, mùa hè nắng nóng, mùa đông quá lạnh nên việc chăm sóc cua tại các thời điểm này cần hết sức lưu ý. Tháng 5 – 7 đỉnh điểm mùa hè, nhiệt độ thường cao trên 33oC, mực nước giảm, độ mặn cao, ảnh hưởng xấu đến khả năng bắt mồi và hoạt động của cua, làm cua dễ chết nên phải thường xuyên dùng vi sinh xử lý đáy, dâng nước hồ cao để chống nóng. Mùa đông lạnh, có thể cho cua trở lại hồ vì trong hộp mực nước thấp, nhiệt độ trong nước dễ biến động dễ làm phát sinh bệnh cho cua. Có thể kết hợp cho cua ăn cá tạp với thức ăn công nghiệp, tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn. Khi đưa cua vào các hộp , mỗi con 1 hộp, thao tác bắt cua vào hộp phải nhanh, tránh bị gãy càng, tránh cua bị mất nước. Hộp nhựa được kết thành giàn và cho xuống mặt nước ao nuôi, trong quá trình nuôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hộp nuôi cua”.

Bà Phạm Thị Hà – Phó Chủ tịch xã Thạch Hưng cho biết, tại xã Thạch Hưng có 4 hộ đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm và về tự nhận rộng với quy mô 250 hộp/hộ. Năm 2023, các hộ nuôi đều thành công và hiện nay các hộ đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thả nuôi vụ tiếp theo. Qua đó, cho thấy mô hình là một hướng đi cho sự phát triển các mô hình mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, có khả năng nhân rộng tốt”.

Kim Thịnh

Khuyến nông Hà Tĩnh