Thứ Tư, 4/11/2020, 9:07

Tác động của men vi sinh và hệ thống biofloc đối với tôm

“Lim Shrimp Organization (LSO) là một trong những tập đoàn nuôi tôm lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã thành lập một mạng lưới các dự án nuôi tổng hợp với tên gọi Aqua Village. Năm 2018, tập đoàn đã hoàn thành 12 dự án tại Indonesia, 2 dự án ở Thái Lan và 1 dự án tại Malaysia. Tất cả các nguyên tắc canh tác bền vững được sử dụng bao gồm cả việc sử dụng chế phẩm sinh học và hệ thống biofloc”

 

Nuôi tôm là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất trong nuôi trồng thủy sản. Chính do sự phổ biến đó, các hoạt động nuôi tôm ngày một mở rộng khiến dịch bệnh bùng phát thường xuyên hơn và gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm. Phương pháp truyền thống vẫn được áp dụng mỗi khi tôm có bệnh hiện nay chủ yếu vẫn là can thiệp bằng thuốc kháng sinh, hóa chất. Điều này kéo theo một loạt vấn đề như gây ra sự kháng kháng sinh của mầm bệnh, đẩy chi phí nuôi lên cao.

Hiện nay, nhiều mầm bệnh đã trở thành đặc hữu của các vùng nuôi ven biển Đông Nam Á, ước tính thiệt hại với ngành nuôi tôm do dịch bệnh trong 10 năm qua lên đến 45 tỷ USD. Để tránh khỏi những khó khăn này, người nuôi đã tìm kiếm các giải pháp nuôi an toàn sinh học nhằm thay thế, phục vụ cho việc nuôi tôm thâm canh mật độ cao như hiện nay. Phương pháp canh tác thông minh và thân thiện hơn với môi trường này bao gồm việc sử dụng prebiotics và men vi sinh, cùng với nuôi trong hệ thống bioflocs.

 

Pre- hoặc pro-biotics?

Prebiotics là thành phần của thức ăn không tiêu hóa được, dùng làm nguồn thức ăn cho vi khuẩn đường ruột có lợi. Cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột sẽ giúp việc chuyển hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Prebiotic thường có mặt ở tỏi, chuối và đậu. Đây là thực phẩm đã được sử dụng làm chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi từ rất lâu đời tại các quốc gia ở châu Á, nhưng lại có rất ít người nắm bắt và hiểu hết được các nguyên tắc hoạt động của prebiotics.

 

Probiotics là chế phẩm sinh học bao gồm các vi khuẩn có lợi được bổ sung vào giúp quá trình tiêu hóa và hấp thụ diễn ra nhanh chóng và tốt hơn. Trong thực phẩm của con người, probiotics xuất hiện nhiều ở các thực phẩm như sữa chua, dưa chua và kim chi. Thời gian gần đây việc sử dụng chế phẩm sinh học cũng đang dần trở nên khá phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Probiotics cũng có thể có nguồn gốc từ vi khuẩn, tảo đỏ hoặc nâu, nấm và hiện nay ba họ vi khuẩn Bacillus , VibrioPseudomonas được sử dụng chủ yếu để làm chế phẩm sinh học trong nuôi tôm.

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cải thiện sự trao đổi chất và hấp thụ chất dinh dưỡng thông qua việc sử dụng prebiotics và probiotics giúp tác động tích cực lên sức khỏe tổng thể, tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn của tôm. Probiotics nâng cao cơ chế đề kháng bẩm sinh của tôm trước hoặc sau khi tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm và giúp tôm vượt qua các điều kiện căng thẳng như chuyển nước mặn , sát khuẩn, thả lưới và phân loại …

 

Một nghiên cứu của Rengpipat et al cho thấy tỷ lệ sống của tôm sú được bổ sung men vi sinh probiotic lên đến 100% khi bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh Vibrio harveyi, trong khi với tôm nuôi không sử dụng vi sinh probiotic tỷ lệ sống sót chỉ đạt 26%. Một nghiên cứu riêng biệt khác của Moriarty đã củng cố thêm cho nhận định này bằng cách phân tích việc sử dụng chế phẩm sinh học Bacillus cho phép nuôi tôm he liên tục trong hơn 160 ngày. Ngược lại, các trang trại không sử dụng chế phẩm sinh học đã thất bại hoàn toàn trên tất cả các ao trong vòng 80 ngày do bệnh Vibrio spp.

 

Một nghiên cứu năm 2018 còn cho thấy rằng việc áp dụng chế phẩm sinh học đa chủng hiệu quả hơn so với các chủng đơn lẻ trong việc cải thiện sự tăng trưởng và sức khỏe tổng thể của tôm thẻ chân trắng.  Tuy nhiên, sử dụng kéo dài có thể gây ức chế miễn dịch và làm giảm hiệu quả tổng thể. Bằng cách cải thiện tỷ lệ tiêu hóa và thức ăn – giảm lượng chất thải giúp duy trì tốt chất lượng nước nuôi. Một số loài vi khuẩn có ích, đặc biệt là một số chủng Bacillus và các vi khuẩn nitrat hóa khác, cũng có thể được thêm trực tiếp vào nước nuôi để cải thiện sự phân hủy chất thải, do đó làm giảm mức amoniac và sự xuất hiện của tảo xanh, đồng thời gián tiếp cải thiện hơn nữa sức khỏe và hiệu suất của tôm.

 

Biofloc – tái sử dụng chất dinh dưỡng

Một cách khác để tận dụng các vi sinh vật có lợi này là thông qua việc áp dụng hệ thống biofloc- một kỹ thuật xử lý nước thải để chuyển hóa các chất dinh dưỡng không sử dụng thành thực phẩm. Tiến sĩ Nyan Taw, chuyên gia nghiên cứu về tôm và tư vấn FAO từ Myanmar, giải thích: “Nguyên tắc biofloc kích thích sự phát triển tự nhiên của các ‘flocs’ giúp tăng khả năng tự nitrat hóa của nước nuôi. Quá trình này thường được bắt đầu khi bắt đầu quá trình nuôi cấy và mất một vài tuần để hoàn thành, bắt đầu với sự phát triển của tảo, tiếp tục với sự hình thành bọt và cuối cùng là sự phát triển của bioflocs. ”

 

Những hạt này bao gồm vi khuẩn có lợi (probiotic), động vật nguyên sinh, tảo, nấm và các sinh vật sống khác, thường được tổ chức lại với nhau bằng chất nhầy của vi khuẩn. Hầu hết là các floc siêu nhỏ nhưng chúng có thể lớn hơn nhìn giống như bùn. Tất cả đều có thể là nguồn thức ăn bổ sung có thể được cho ăn tại các trang trại nuôi tôm, cá xen kẽ với thức ăn viên. Hệ thống biofloc sử dụng các vi sinh vật một cách hiệu quả để tái chế chất dinh dưỡng chất thải và tăng cường sự phát triển của động vật thủy sản. Công nghệ nuôi Biofloc thân thiện với môi trường, có tác dụng hiệu quả và giảm sự lây lan của mầm bệnh đồng thời cải thiện sức khỏe tôm, cá, nâng cao chất lượng nước, cải thiện số lượng và tăng sự đa dạng trong thức ăn cho tôm. Hệ thống này giúp sản xuất các chế phẩm sinh học một cách tự nhiên, bởi vậy người nuôi không cần mua bổ sung các sản phẩm chế phẩm sinh học này ngoài thị trường nữa.

 

Triển vọng tương lai

Tại thời điểm hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào triển vọng cho nghề nuôi tôm ở Đông Nam Á sẽ ngày càng tươi sáng khi các nguyên tắc biofloc được các trại nuôi tôm trên toàn cầu áp dụng phổ biến và rộng rãi. Một số ông lớn trong lĩnh vực nuôi tôm ở Đông Nam Á dường như đã áp dụng và khởi xướng các dự án nuôi mới kết hợp các nguyên tắc biofloc và prebiotic. Một trong số đó là tổ chức Lim Shrimp (LSO), một trong những tập đoàn nuôi tôm lớn nhất Đông Nam Á, với quy mô hoạt động trải khắp châu Á đã thông qua các dự án nuôi tổng hợp lớn và “làng nuôi tôm”.

Giám đốc điều hành, ông Djames Lim giải thích cách sử dụng men vi sinh và các nguyên tắc biofloc quan trọng đối với sự thành công của họ thông qua các con số thực tế: trong năm 2018, công ty đã hoàn thành 12 dự án LSO Aqua Village ở Indonesia, hai dự án ở Thái Lan và một dự án khác ở Malaysia. Trong năm 2019, tổ chức đã đảm bảo hợp đồng cho 50 dự án khác trên khắp châu Á, cho thấy mức độ quan tâm đến việc nuôi tôm bền vững sử dụng các nguyên tắc tự nhiên và tiềm năng to lớn của nó. “Tổ chức của chúng tôi rất tin tưởng vào việc bảo vệ môi trường và sử dụng các phương pháp bền vững để nuôi tôm. Chúng tôi áp dụng một cách tiếp cận lành mạnh liên quan đến các thành phần xã hội, môi trường và kinh tế”, ông chia sẻ.

 

 

Khi có nhiều nghiên cứu được tiến hành và những phương pháp mới giúp tối đa hóa tác dụng của chế phẩm sinh học được hiểu rõ hơn, có thể chắc chắn rằng lĩnh vực này sẽ có cung cấp nhiều thứ hơn nữa để có thể giúp giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường và thúc đẩy năng suất của các trang trại nuôi tôm trong tương lai, tạo ra một tương lai bền vững cho nghề nuôi tôm ở Châu Á.

 

Phúc Bảo – Lược dịch từ Thefishstie

Ảnh: Trang trại nuôi tôm tích hợp lớn nhất thế giới, Indonesia.