Thứ Tư, 14/07/2021, 14:00

Quảng Ngãi: Nuôi trồng thủy sản gặp khó vì Covid-19

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của các địa phương ven biển Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thêm vào đó là giá cả thị trường biến động theo chiều hướng xấu khiến nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh khó khăn.

Hẹp đầu ra
Những ngày này, hàng trăm hộ nuôi tôm ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nhấp nhổm như ”ngồi trên đống lửa”. Bởi, tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng lại không có đầu mối tiêu thụ vì ảnh hưởng Covid-19.
 Tiêu thụ tôm đang gặp khó khăn bởi Covid-19.
Tiêu thụ tôm đang gặp khó khăn bởi Covid-19.
Ông Phan Sinh (thôn Kỳ Trung, xã Tịnh Kỳ) có 3 hồ triều nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 14.000m2. Tôm đã nuôi được trên 2 tháng nhưng thương lái chỉ mua cầm chừng, chủ yếu được tiêu thụ ở chợ, có hôm giá bán chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ ông Sinh thấy con tôm “khó” như năm nay. Phần thì giá cả thức ăn tăng cao, phần khác vì thời tiết nắng nóng và dịch bệnh. Trong 3 hồ, có 1 hồ tôm diện tích 1.750m2 của ông Sinh đã bị chết sạch chỉ sau 1 tháng thả nuôi vì bệnh đốm trắng. Lúc nuôi phấp phỏng vì sợ tôm chết, đến lúc thu hoạch cũng không yên tâm vì chẳng thấy thương lái đâu.
“Mùa trước, cứ 1,5 tấn tôm còn lãi được 70 triệu đồng, chứ mùa này thì chắc sợ không lại tiền vốn bỏ ra”, ông Sinh lo lắng.
Mọi năm vào dịp này, vựa nuôi tôm ở Tịnh Kỳ nhộn nhịp kẻ bán người mua. Năm nay, người nuôi tôm chỉ biết nhìn nhau thở dài, mỏi cổ mong ngóng thương lái.
Xã Tịnh Kỳ là một trong những ''vựa'' nuôi tôm của Quảng Ngãi.
Xã Tịnh Kỳ là một trong những ”vựa” nuôi tôm của Quảng Ngãi.
Tại huyện Mộ Đức, người nuôi trồng thủy sản cũng đang lo lắng vì giá bán rất thấp. Hiện giá tôm ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, giảm 20 – 30% so đầu vụ và có khả năng tiếp tục giảm.
Giá ốc hương còn khoảng 170.000 đồng/kg, giảm đến hơn 60% so với cùng kỳ (trung bình ốc hương có giá 350.000 – 380.000 đồng/kg). Việc này khiến nhiều hộ nuôi chấp nhận bán lỗ hoặc tiếp tục giữ lại nuôi, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Theo lý giải của một số thương lái, do ảnh hưởng của dịch, nhà hàng, khách sạn ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ngưng hoạt động nên việc tiêu thụ thủy hải sản gặp khó khăn. Khi nhu cầu hạn chế, nguồn cung dồi dào thì giá bán sẽ xuống thấp, đây điều tất yếu của quy luật thị trường.
“Khan” thức ăn
Phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) thuộc vùng thực hiện cách ly y tế, phong tỏa từ ngày 26/6 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vì có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tại địa phương này đang có rất nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào.
 Khu vực nuôi cá lồng bè của người dân phường Phổ Thạnh.
Khu vực nuôi cá lồng bè của người dân phường Phổ Thạnh.
Anh Trần Văn Phương (thôn Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh) nuôi hơn 4.000 con cá hồng mỹ và cá mú ở 6 lồng bè. Thường ngày, gia đình anh cho cá ăn 3 lần để đảm bảo tốc độ sinh trưởng và thu hoạch. Tuy nhiên, mấy ngày qua, anh phải rất vất vả mới tìm được nguồn thức ăn cho cá.
“Hiện tất cả tàu đánh bắt gần và xa bờ đều không thể cập cảng Sa Huỳnh, kéo theo đó là thức ăn mồi cho cá nuôi lồng bè gồm những loại cá nhỏ, cá tạp cũng không thể mua được từ các tàu cá này. Mấy ngày nay chỉ dám cho ăn cầm chừng”, anh Phương cho hay.
Theo thống kê, phường Phổ Thạnh có khoảng 100 hộ nuôi trồng thủy sản với 1.000 lồng bè, chủ yếu nuôi cá hồng mỹ, cá bớp, cá mú… Từ đầu năm, người nuôi bắt đầu thả cá giống, đến nay cá đang trong quá trình phát triển, tuy nhiên người nuôi đang thiếu nguồn thức ăn tươi cho cá, chủ yếu là cá tạp tươi.
“Mọi khi thì người nuôi mua cá tạp lại từ các tàu đi khai thác trên biển, nhưng địa phương đang thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các tàu tạm dừng xuất bến, do vậy, nguồn cá tạp tươi để cung cấp nuôi thủy sản các lồng bè là rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Lượng – Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho biết.
Theo ông Lượng, trước mắt, địa phương có thể hỗ trợ vận chuyển giúp người nuôi cá đối với nguồn thức ăn là bột cám. Nguồn bột cám này trước nay đều mua từ bên ngoài địa phương, bây giờ thực hiện cách ly y tế nên người nuôi không thể mua trực tiếp.
Địa phương đã tạo điều kiện để chủ lồng bè đăng ký trước khi mua thức ăn từ bên ngoài để địa phương thực hiện công đoạn vận chuyển đến tận nhà cho chủ lồng bè nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Không để đứt gãy hệ thống cung ứng
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành trong nước thì thủy sản đã bị ảnh hưởng. Đến nay có ca mắc Covid-19 tại tỉnh Quảng Ngãi thì sản xuất, nuôi trồng thủy sản lại càng gặp khó.
 Ảnh hưởng Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ thủy hải sản gặp nhiều khó khăn.
Ảnh hưởng Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ thủy hải sản gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm nay, tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản trong tỉnh đạt 1.489ha, sản lượng nuôi đạt hơn 4.255 tấn với các đối tượng nuôi gồm tôm, cua, ốc hương, cá bớp, cá mú, cá trắm cỏ, cá mè…
Nghề nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng về hiệu quả kinh tế do giá các yếu tố đầu vào trong quá trình nuôi trồng thủy sản như thức ăn, thuốc, hóa chất… tăng cao. Trong khi đó, giá xuất bán thủy sản (tôm, ốc hương…) lại bấp bênh, không xuất khẩu được, có thời điểm giá xuống quá thấp so với mức giá đầu tư dẫn đến người nuôi bị thua lỗ.
Trong thời gian tới, khi người nuôi xuống giống vụ 2 (vụ 2 bắt đầu từ ngày 21/7 đối với nuôi tôm trên cát, nuôi tôm vùng triều), đây là thời điểm tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, việc vận chuyển nguồn nguyên liệu, giống từ các vùng bên ngoài tỉnh sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thả nuôi giống mới.
Theo bà Đỗ Thị Thu Đông – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi tôm cần nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn, hóa chất, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giá cả lại ở mức cao. Chi cục sẽ kiến nghị Tổng cục Thủy sản để có giải pháp bình ổn giá thị trường.
Ngoài ra, ngành thủy sản sẽ thống kê tình hình tiêu thụ, sản lượng thủy sản nuôi đang thời kỳ xuất bán mà gặp khó khăn để phối hợp Sở Công Thương tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm.
Đồng thời, người nuôi trồng thủy sản cần chú ý đến thị trường tiêu thụ nội địa, liên kết các doanh nghiệp để thúc đẩy kênh tiêu thụ nội địa.
“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng người nuôi trồng thủy sản nên tiếp tục sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, không để đứt gãy hệ thống cung ứng”, bà Đông nói.
Nguồn: Kinhtedothi.vn
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận