Hiện nay, lươn nước ngọt là loài thủy sản được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, đem lại hiệu quả khá tốt nên Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng đã hỗ trợ hộ dân thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. Bước đầu, mô hình này đem lại những tín hiệu tích cực.
Đến tham quan bể nuôi lươn không bùn của chị Đào Thị Ngọc Thủy, ở Khóm 6, Phường 6, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), mọi người đều rất ngạc nhiên, bởi dù mới “khởi đầu” thực hiện mô hình nhưng chị Thủy đã mạnh dạn đầu tư bể nuôi rất bài bản, toàn bộ diện tích dành nuôi lươn được xây dựng kiên cố, hệ thống nước cấp bể nuôi bố trí hợp lý, đặc biệt là hộ nuôi còn có luôn ao lắng lọc nước để cấp nước lên ao nuôi lươn và toàn bộ khu vực bể nuôi rất thoáng mát, thuận lợi cho việc chăm sóc cũng như giúp lươn phát triển tốt. Toàn bộ chi phí đầu tư bể nuôi lươn khoảng 300 triệu đồng.
Chị Ngọc Thủy bộc bạch: “Khu vực xây bể nuôi lươn có diện tích 65m2, có tổng số 22 bể nuôi. Việc chia ra từng bể nuôi nhỏ sẽ giúp cho quá trình phân loại lươn, lươn tăng trưởng tốt hơn, tạo độ lớn đồng đều, nhất là tiện cho ăn và chăm sóc. Hiện tại, với số bể nuôi trên tôi chỉ mới sử dụng 3 bể để thả nuôi 10.000 con lươn thương phẩm, con lươn đã 5 tháng tuổi và phát triển rất tốt. Đồng thời, trong quá trình nuôi, lươn tăng trưởng có kích thước khác nhau nên qua 3 tháng nuôi, tôi tiến hành phân loại ra 3 kích cỡ, gồm: lươn 8 con/kg có 1 bể nuôi; lươn 10 con/kg có 1 bể nuôi (số này chiếm tỷ lệ 70%) và còn lại là lươn đạt kích cỡ 20 con/kg có 1 bể. Như vậy, có tổng số 3 bể được dùng để nuôi lươn, việc làm này nhằm tránh tình trạng lươn lớn giành phần thức ăn của những con lươn nhỏ hơn và tạo được không gian thoáng, giúp lươn tăng trọng tốt”.
Trong quá trình thực hiện mô hình, để nuôi lươn đạt năng suất, chất lượng, ngoài việc tiếp nhận hướng dẫn kỹ thuật do cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng truyền đạt, chị Thủy còn tìm hiểu thêm các cách thức nuôi lươn trên internet, học hỏi những cách nuôi hay để từ đó đúc kết các kinh nghiệm mà áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, con lươn nuôi phải đảm bảo nguồn nước sạch nên nước trong bể phải được thay mỗi ngày 3 lần, vào thời điểm sáng – trưa – tối.
“Qua 5 tháng nuôi lươn, tôi nhận thấy con lươn nuôi khá dễ, nhẹ công chăm sóc nhưng để lươn phát triển tốt nên cho lươn ăn đúng theo khung giờ mỗi ngày, quy trình cho ăn phải đúng liều lượng, theo từng kích cỡ lươn để đảm bảo lươn hấp thu thức ăn tốt nhất” – chị Thủy cho biết thêm.
Theo chị Ngọc Thủy, chị xây dựng bể nuôi lươn có chiều cao khoảng 4 tấc và bên trong bể nuôi lươn chỉ để nước có độ cao 2 tấc, giúp cho lươn ít tốn năng lượng khi bơi lội trong bể nuôi. Ngoài khung nổi để trong bể nuôi cho lươn trú ngụ, nghỉ ngơi, chị còn bỏ thêm dây nilông vào bên trong bể nuôi cho lươn bám vào. Sau thời gian nuôi lươn, chị thấy mô hình này đạt hiệu quả rất tốt, lươn lớn nhanh. Chị đang tiếp tục đặt lươn giống khoảng 20.000 con, thả nuôi theo hình thức dây chuyền nhằm cung ứng lươn thương phẩm trên thị trường. Dự kiến, chị sẽ nuôi luôn lươn giống sinh sản cung cấp con giống ra thị trường cho người nuôi có nhu cầu.
Phó trưởng Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Huỳnh Bảo Quốc cho biết: “Trên địa bàn TP. Sóc Trăng có nhiều hộ nuôi lươn đem lại thu nhập tốt. Đơn vị cũng hỗ trợ 2 mô hình nuôi lươn sinh sản và nuôi lươn thương phẩm tại hộ. Riêng mô hình nuôi lươn không bùn thương phẩm tại hộ chị Ngọc Thủy được chị đầu tư rất bài bản và đơn vị cũng hỗ trợ về thức ăn, con giống, kỹ thuật cho chị suốt quá trình nuôi. Đánh giá bước đầu mô hình nuôi lươn tại hộ chị Thủy, lươn đạt trọng lượng tốt, ước tỷ lệ thành công đến xuất bán đạt 80%, với sản lượng lươn thu về ước 1,6 tấn (12 tháng nuôi), trừ các khoản chi phí lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Mô hình nuôi lươn không tốn nhiều diện tích đất, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, lươn có giá trị kinh tế cao, giá bán ổn định, góp phần giúp nông dân trong việc lựa chọn chuyển đổi phương thức chăn nuôi phù hợp tại hộ”.
Thúy Liễu
Báo Sóc Trăng