Phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) đã thực hiện thành công mô hình nuôi vỗ cua mẹ (hay còn gọi là sản xuất cua mẹ ốp trứng), mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ nuôi cho biết, nghề nuôi vỗ cua mẹ không cần diện tích lớn, chỉ cần đầu tư những chiếc thùng vừa phải để con cua phát triển. Khâu khó nhất đối với nghề này là người nuôi phải thật tỉ mỉ trong chọn con giống và chăm sóc. Cụ thể, khi mua cua mẹ, cần phải chọn những con có trọng lượng từ 450-600 g, đầy gạch và cua không quá già. Sau khi chọn được con giống, người nuôi sẽ tiến hành vệ sinh, cắt 1 mắt trái của cua, cho vào thùng chứa và chạy ô-xy 24/24 giờ. Thức ăn của cua cũng khá đơn giản, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc… có sẵn ở địa phương. Sau thời gian chăm sóc từ 10-20 ngày, cua bắt đầu lên trứng và có thể bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống trên địa bàn và các địa phương lân cận.
Là một trong những hộ có thâm niên làm nghề nuôi vỗ cua mẹ tại địa phương, chị Trần Thị Chinh, Khóm 7, thị trấn Năm Căn, cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này gần 15 năm, nói chung làm cũng dễ. Trung bình mỗi tháng xuất bán từ 200 con cua mẹ. Hiện nay, giá mỗi con cua mẹ bán ra từ 1,5 triệu đồng trở lên (tuỳ thời điểm). Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi trên 50 triệu đồng”.
Theo anh Nguyễn Văn Niêm, Khóm 5, thị trấn Năm Căn: “Nuôi vỗ cua mẹ là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần người nuôi tỉ mỉ trong khâu chăm sóc cua mẹ thì tỷ lệ thành công rất cao. Ðặc biệt, nhu cầu thị trường lớn, nếu sản phẩm cua mẹ đạt chất lượng tốt có thể xuất bán cho các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng”.
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn huyện Năm Căn có khoảng 20 hộ thực hiện mô hình nuôi vỗ cua mẹ, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Năm Căn với khoảng 15 hộ nuôi. Trước đây, nghề nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn huyện chủ yếu theo hình thức tự phát, hiện nay do nhu cầu thị trường cua giống tăng cao nên nghề nuôi vỗ cua mẹ được nhiều hộ nuôi đầu tư, phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Tạ Trường Giang, Chủ tịch Hội Thuỷ sản thị trấn Năm Căn, cho biết: “Nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Năm Căn đã áp dụng mô hình nuôi vỗ cua mẹ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, thời gian qua do bệnh giáp xác chân tơ trên cua và tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất của người nuôi. Ðể tránh bị ảnh hưởng do bệnh giáp xác chân tơ có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, hiện nay nhiều hộ nuôi có xu hướng chọn con giống là cua càng đỏ (càng màu đỏ) để nuôi dưỡng. Ðặc tính cua càng đỏ là vỏ cứng, chắc thịt và ít bệnh hơn cua càng xanh nên hạn chế được rủi ro”.
Công việc đơn giản, nguồn vốn cũng không lớn nhưng tỷ lệ thành công cao, đó là những lợi thế mà mô hình nuôi vỗ cua mẹ đem lại. Ðặc biệt, đối với huyện Năm Căn, nguồn cua mẹ được cung cấp đa dạng, chất lượng; nhu cầu thị trường lớn; chính vì thế, đây sẽ là mô hình đáng được nhân rộng để phát triển kinh tế cho người dân./.
Thành Vũ
Báo Cà Mau