Thứ Hai, 21/03/2022, 13:00

Nuôi trồng thủy sản 4.0: cần hiểu rõ về chi phí công nghệ

Xu hướng tự động hóa ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhờ vào các ứng dụng như cảm biến, AI, Big Data,… được xem là tiền phương mới trong lĩnh vực sản xuất bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tương lai của nhân loại. Mặc dù vậy, người nuôi cần tính toán kỹ lời lỗ trước khi đầu tư cho những công nghệ này.

 

So với các cơ sở NTTS truyền thống, trại nuôi hiện đại thường chiếm dụng ít đất đai hơn nhưng lại có thể cho sản lượng trung bình gấp 58 lần – 2000 tấn/ha so với 34 tấn/ha, đồng thời kiểm soát tác động môi trường tốt hơn nhờ ít hoặc không sử dụng thuốc kháng sinh và đảm bảo an toàn sinh học. Những trại nuôi này cũng đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn – chỉ tốn 1.5 kW điện để sản xuất 1kg cá so với 25 – 30 kg trên các hệ thống thông thường. Bên cạnh đó, những tiến bộ mới trong lĩnh vực di truyền, dinh dưỡng và kỹ thuật cũng giúp các trại nuôi tăng cường năng lực sản xuất với chi phí ngày càng giảm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng tiếp cận và triển khai những thiết bị hiện đại cùng công nghệ mới nhất.

 

Các thiết bị và công nghệ mới không hẳn sẽ phù hợp với tất cả mọi cơ sở NTTS. © AR Francis Neil Quijano.

 

Trong một buổi thuyết trình qua Zoom để tưởng nhớ Hiệu trưởng Domiciano K. Villaluz, chuyên gia Matthew Tan – phó giáo sư ngành NTTS tại Đại học James Cook, thành viên Diễn đàn Đối tác Chính sách An ninh Lương thực Thực phẩm thuộc APEC (đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư) – nhận định NTTS là ngành được dẫn dắt bởi động cơ tài chính (lời lỗ), do đó người sản xuất muốn chuyển dịch thành công theo xu hướng NTTS 4.0 nhất thiết phải hiểu rõ phí tổn, hay biết lập mô hình phân tích hiệu quả [tài chính] của việc ứng dụng các công nghệ đột phá (disruptive technologies).
Đầu tiên, hãy nhìn vào thị trường và xác định: Ai là người mua sản phẩm? với Mức giá bao nhiêu? và Chi phí của việc triển khai công nghệ mới?
Các hệ thống RAS mặc dù tốn kém nhưng cho năng suất cùng hiệu quả sử dụng năng lượng vượt trội. Ảnh: ASC.

 

Tính toán chi phí
GS. Tan nói tất cả những nâng cấp bổ sung về trang thiết bị và công nghệ cần được cân nhắc kỹ lưỡng để xác định xem có đáng đầu tư. “Việc triển khai phải khả thi về mặt tài chính”, ông khẳng định. Giáo sư trích dẫn kinh nghiệm của một trại giống bào ngư tại Trung Quốc với chi phí sản xuất trung bình là 4 cent/con giống. “Nếu việc triển khai một công nghệ mới làm tôi mất thêm 4 cent nữa thì chi phí tổng cộng sẽ là 8 cent/con giống, cho nên tôi sẽ không đầu tư bởi giá bán chỉ là 6 – 7 cent/con.”
“Bạn cần thiết phải cắt giảm chi phí sản xuất trong khi vẫn duy trì được giá bán, khi ấy việc ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả,” ông bổ sung.
Mặt khác, GS. Tan cũng tin rằng những khoản đầu tư ban đầu trong NTTS hiện đại, mặc dù khá cao nhưng là điều có thể hiểu được. Ông hiện đang cộng tác cùng 03 dự án nuôi tôm thẻ chân trắng (vannamei) siêu thâm canh trong nhà (indoor) mà ông biết là tốn kém hơn nuôi ao mở (open pond) rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ tất cả các rủi ro, chẳng hạn dịch bệnh bùng phát, hệ thống khép kín với tính an toàn sinh học vượt trội lại có thể là một lựa chọn tốt. Để cạnh tranh với giá tôm nuôi bằng hệ thống ao mở, nhóm của GS. Tan tính toán họ cần đạt sản lượng tối thiểu 15kg/m3 (so với ao mở chỉ là 3 – 5 kg/m3), giả định tôm sau khi thả không mắc bệnh.
“Người nuôi thường nghĩ ao mở rẻ hơn, nhưng nếu rủi ro xảy ra, họ sẽ mất còn nhiều hơn thế,” GS Tan nói.
Cần sự cộng tác, không chỉ công nghệ
Một diễn giả khác tại chương trình cũng chỉ ra cách mà công nghệ và những thiết bị mới có thể giúp người nuôi tiết kiệm năng lượng với kinh nghiệm ở Philippines – nơi các hệ thống RAS rất ngốn điện đang vật lộn để cất cánh.
Chi phí của mọi sự nâng cấp trang thiết bị hay cập nhật công nghệ đều cần được cân nhắc xem có đáng để theo đuổi. © Jala.

 

Kiến trúc sư Francis Neil Quijano – thành viên phong trào Agritektura, theo đuổi hướng tiếp cận liên ngành để thúc đẩy sự chuyển dịch của các cộng đồng tại Philippines – cho biết ông hiện đang theo đuổi và ứng dụng nhiều công nghệ NTTS thuộc loại mới nhất (VD: hệ thống bơm hút cá chỉ tiêu thụ khoảng 165W điện mỗi giờ, …) nhờ cộng tác với các chuyên gia hàng đầu, trong đó có người nước ngoài. “Hãy bắt đầu bằng cách làm việc với người khác, nhất là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, không chỉ NTTS mà còn kiến trúc, kỹ thuật…”,ông nói.
Cũng trong bài thuyết trình của mình, Quijano cho biết: trước sự bùng phát của Covid-19, Agritektura đã phát triển một số thiết kế hệ thống NTTS theo module dựa trên RAS, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như sục khí, lọc sinh học và dinh dưỡng tối ưu cho các cộng đồng ở Philippine.
“Chúng ta hãy cởi mở hơn với công nghệ và tôi chắc điều này sẽ mang lại hiệu quả,” ông nói.
Hải Đăng
Theo Thefishsite