Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ không chỉ giúp các cơ sở nuôi tôm kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn về môi trường mà còn tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
Năng suất, lợi nhuận tăng cao
HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) có 100ha nuôi tôm. Năm 2019, HTX đầu tư 5 tỷ đồng chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao: nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Với công nghệ này, nước được đưa vào ao xả, xử lý hóa chất qua hệ thống lắng để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng. Sau đó, nước được diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.
Theo ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, HTX dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm, góp phần mang lại lợi nhuận cho HTX. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/năm trong ao đất lên 3 vụ/năm, năng suất 50-60 tấn/vụ/2ha, tổng doanh thu hàng năm 15-20 tỷ đồng.
Tương tự, cơ sở Farm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cũng đang áp dụng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo hướng công nghệ cao trên diện tích 8ha, trong đó có 1,3ha được sử dụng làm ao nuôi tôm (15 ao), còn lại là các ao xử lý nước. Hiện nay, cơ sở nuôi 3 vụ, với sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn/năm. Để xử lý tốt nguồn nước và bảo đảm vệ sinh môi trường ao nuôi, cơ sở đầu tư máy sục ôxy, quạt gió, máy điều khiển cho tôm ăn tự động, hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi…
Theo ông Lương Văn Hà, quản lý cơ sở Farm Liên Giang, nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước. Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt, sản lượng đạt cao và giá thành tốt (khoảng 200.000-220.000 đồng/kg loại 30 con/kg). Sau khi trừ chi phí, cơ sở thu lợi nhuận khoảng 20 tỷ đồng/năm. Tôm loại 18-20 con/kg có giá cao hơn, lợi nhuận cũng cao hơn.
Giảm dịch bệnh, nâng chất lượng sản phẩm
Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua mang lại nhiều hiệu quả, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng công nghệ, các cơ sở đã chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời được các nhà phân phối ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Năm 2022, tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 47,52% (năm 2021 chiếm 43,83%). Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể. Công nghệ cao được áp dụng chủ yếu trong nuôi trồng, sản xuất thủy sản là công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2 và nuôi được 3-5 vụ/năm…
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.913ha, 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 412ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu. Một số DN thủy sản ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thủy sản Phước Hải, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mạnh Cường, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, Farm Liên Giang, Farm Thái Hà, Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam…
Nguyên Minh
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu