Ấp Năm Căn là một dải đất nằm cuối xã Lai Hòa (TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) và tiếp giáp với xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nên việc nông dân giao thương với TP.Bạc Liêu thuận lợi hơn TX.Vĩnh Châu.
Khi phong trào nuôi tôm ở TP.Bạc Liêu rầm rộ vào những năm 1989-1990 thì vùng chuyên trồng lúa ở ấp Năm Căn cũng nhanh chóng chuyển thành vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ.
Bị tôm “búng” bỏ xứ Năm Căn
Đầu tháng 10 âm lịch năm 2023, lúa vụ mùa nhiều nơi đã ngả sang màu vàng chờ ngày thu hoạch, trong khi đó các cánh đồng ấp Năm Căn vẫn trắng xóa màu nước. Nghe tiếng chó sủa đầu vuông tôm, ông Tư Non (ngụ ấp Năm Căn) rời chiếc võng ngoái cổ nhìn xem ai quấy rầy giấc ngủ trưa.
6 vuông tôm (khoảng 2,6ha) của ông Tư Non trước kia là ruộng lúa 2 vụ, sau đó thấy người ta cải tạo ruộng thành vuông nuôi tôm lãi gấp mấy chục lần cấy lúa nên ông học theo. Nhờ vậy, căn nhà lá ọp ẹp của vợ chồng ông nơi dòng kênh Ông Tỵ được thay bằng ngôi nhà xây kiên cố sau khi trúng liên tiếp mấy vụ tôm sú, tôm thẻ vào những năm
2000-2004. Đồng thời, ông Tư Non còn dư tiền cho con trai mượn trên 100 triệu đồng chuộc lại 2ha ruộng đã cầm cố.
Vậy mà nay, khi chúng tôi đến thăm, ông Tư Non than thở vừa bị lỗ mất 50 triệu đồng sau vụ tôm thẻ chân trắng tại 3 vuông nuôi (khoảng 1,4ha). Niềm hy vọng còn lại của ông là 3 vuông nuôi tôm sú (khoảng 1,2ha) dự kiến tháng 12 âm lịch mới thu hoạch để tránh nạn bị tôm “búng” khỏi ấp Năm Căn.
Cụm từ tôm “búng” khỏi ấp Năm Căn đầy chua chát mà ông Tư Non vừa thốt ra tuy lạ lẫm với chúng tôi, ngược lại nó quen thuộc đối với người nuôi tôm ở ấp Năm Căn và nhiều nơi khác trong xã Lai Hòa.
Anh Ba Duy giải thích, do người nuôi tôm hết vốn vì bị thua lỗ triền miên nên cầm cố vuông để đầu tư tiếp các vụ sau nhằm gỡ gạc. Việc nuôi tôm tiếp tục bị thua lỗ thì mất đất, họ buộc phải khăn gói về TP.HCM, tỉnh Bình Dương hay tỉnh Đồng Nai để làm công nhân. Cho nên, dân ấp Năm Căn ví những người nuôi tôm thua lỗ, nợ nần là bị tôm “búng”.
Ấp Năm Căn có gần 200 hộ dân với trên 300ha diện tích mặt nước nuôi tôm, toàn bộ diện tích này đều được nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa. Thời gian đầu mới chuyển đổi, con tôm phát triển tốt, không gặp bệnh tật và chóng lớn nên mỗi vụ nuôi (từ 3-3,6 tháng đối với tôm thẻ, 5-6 tháng đối với tôm sú), mỗi ha nhà nông lãi thấp nhất cũng được 80-100 triệu đồng (tùy vào mật độ nuôi, vốn đầu tư). Nhờ tôm mà người dân ấp Năm Căn khá giả, xây nhà đẹp và chuộc lại những ruộng lúa trước đó đã cầm cố.
Nay con tôm sú, tôm thẻ tỏ ra “khó tính” với nguồn nước sông được nông dân ấp Năm Căn lấy từ các con kênh dẫn vào vuông. Nông dân Chín Thử (ngụ ấp Năm Căn, xã Lai Hòa) bộc bạch, từ năm 2010 đến nay, nuôi tôm thất bại nhiều hơn là thành công và đã có mấy chục hộ gia đình bị tôm “búng” ra khỏi ấp vì nợ nần sau liên tiếp mấy vụ nuôi. Do ruộng lúa đã chuyển thành vuông nuôi tôm thì không chuyển đổi lại để trồng lúa được vì đất đã bị nhiễm mặn nên họ chỉ còn con đường lên TP.HCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp làm công nhân, trốn nợ.
Kiên trì với con tôm
Dù công việc nuôi tôm không còn thuận lợi như trước, ông Bảy Kiên (ngụ ấp Năm Căn, xã Lai Hòa) vẫn không chịu đầu hàng với sự “õng ẹo” của con tôm. Ông Bảy Kiên cho biết, để hạn chế thấp nhất rủi ro và thua lỗ, ông chọn cách phơi ao dài ngày hơn so với thông lệ (20-30 ngày), thả tôm mật độ thưa và rãi đều vòng nuôi là 1 vụ/ao/năm (trước kia 1 ao năm nuôi 2 vụ). Cách nuôi kiểu “ăn chắc mặc bền” này tuy lãi ít và thỉnh thoảng có bị lỗ vốn nhưng không đáng kể nên ông Bảy Kiên vẫn trụ được với nghề nuôi tôm từ năm 2010 tới nay.
“Ngoài chọn thời điểm nước sông có độ mặn ổn định, tui còn nghe ngóng thị trường tôm thịt để quyết định thả tôm giống. Cứ 2 ao tôi thả 1 lứa, mỗi lứa cách nhau 20-40 ngày. Hễ nghe ngóng thấy thuận lợi về thời tiết, giá cả thì tôi mới bắt tôm giống thả tiếp 2 ao khác” – ông Bảy Kiên cho biết.
Vốn là nông dân nuôi tôm kỳ cựu ở vùng đất ấp Năm Căn, ông Bảy Hớn đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm. Ông cho biết, do nuôi vuông đất, vuông lót bạt nên con tôm dễ bị “sốc” nhiệt gây còi cọc hoặc chết trắng ao. Vì vậy, người nuôi phải luôn túc trực thường xuyên tại các ao để theo dõi, quan sát, kiểm tra sức khỏe con tôm liên tục trong ngày nhằm phát hiện sớm để can thiệp giúp con tôm khỏe lại.
“Do đặt trách nhiệm gia đình, tài sản vào con tôm nên tôi không dám lơ là trong khâu chăm sóc hay mạo hiểm nuôi theo kiểu đánh bạc để bị tôm “búng” ra khỏi cái ấp Năm Căn này” – ông Bảy Hớn bày tỏ.
Bà Út Tho (nhà đầu con kênh nội đồng ấp Năm Căn) cho biết, nhờ nuôi tôm mà bà không chỉ chuộc lại 1ha ruộng lúa đã cầm cố trước đó mà còn mua thêm 2ha ruộng khác để chuyển thành vuông nuôi tôm. Chỉ có con tôm mới giúp người dân ấp Năm Căn đổi đời.
Đến nay, dù không ít người nuôi tôm bị “búng” ra khỏi vùng đất Năm Căn vì nuôi tôm thua lỗ nhưng vẫn còn nhiều nông dân bám trụ các vuông tôm, tiếp tục bỏ công sức, kinh nghiệm, vốn liếng ra theo đuổi giấc mơ làm giàu.
Đoàn Phú
Báo Đồng Nai