Thứ Tư, 21/08/2024, 6:25

Nuôi tôm giảm phát thải: giải pháp xanh cho ngành thủy sản

 

(Aquaculture.vn) – Sự phát triển mạnh mẽ của nuôi tôm đồng nghĩa với áp lực môi trường ngày càng tăng. Để đối phó với thách thức trên, mô hình nuôi tôm giảm phát thải được xem là giải pháp bền vững và hiệu quả. Mô hình này không chỉ tối ưu hóa sản lượng mà còn thân thiện với môi trường.

Nuôi tôm giảm phát thải được xem là giải pháp bền vững và hiệu quả

Nuôi tôm năng suất thấp bằng sức tải ao

Mô hình nuôi tôm năng suất thấp bằng sức tải ao đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng, mang lại sự cân bằng hoàn hảo giữa sản lượng và bảo vệ môi trường. Trọng tâm của mô hình này là tối ưu hóa khả năng tự làm sạch của ao nuôi, giảm lượng chất thải ra môi trường và duy trì một hệ sinh thái cân bằng.

Trong mô hình này, lượng chất thải phát ra từ hoạt động nuôi tôm được tính toán để không vượt quá khả năng tự làm sạch của ao trong vòng 24 giờ. Với mật độ nuôi từ 20-24 con/m², mô hình giúp giảm thiểu tối đa áp lực lên hệ sinh thái ao, tạo điều kiện lý tưởng cho tôm phát triển khỏe mạnh. Sản lượng ước tính đạt từ 3-10 tấn/ha, không chỉ duy trì sự ổn định của môi trường mà còn đảm bảo chất lượng tôm tối ưu. Điều này đặc biệt quan trọng ở Ecuador, nơi mô hình được áp dụng rộng rãi.

Một yếu tố then chốt khác của mô hình là sự hiện diện của hệ thống cung cấp khí oxy hiệu quả, đảm bảo mức độ oxy hòa tan trong nước luôn đạt mức tối ưu. Sự quản lý chất thải hiệu quả trong mô hình này giữ cho lượng chất thải không vượt quá sức tải tự làm sạch của ao, ngăn chặn tình trạng quá tải, hiện tượng phú dưỡng và đảm bảo cân bằng sinh thái.

Mô hình nuôi tôm năng suất thấp bằng sức tải ao phụ thuộc vào sự hiện diện và hoạt động của các sinh vật chuyển hóa, bao gồm tảo, vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn tự dưỡng.

Nuôi tôm năng suất cao bằng sức tải ao

Mô hình nuôi tôm năng suất cao dựa vào sức tải ao kết hợp với các biện pháp hỗ trợ đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại Thái Lan. Phương pháp này tập trung vào việc kiểm soát và cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, với trọng tâm là hệ vi sinh vật, nhằm xử lý chất thải và cung cấp dinh dưỡng hiệu quả.

Một trong những ưu điểm nổi bật của phương pháp này là lượng chất thải phát ra bằng sức tảo tự làm sạch ao trong vòng 24 giờ, bổ sung dinh dưỡng phát triển vi sinh nội tại hay bioflocs hoặc heterotrophic. Nhờ vào hệ thống quản lý chất lượng nước hiệu quả và việc sử dụng giống tôm sạch bệnh, người nuôi có thể nuôi liên tục nhiều vụ mà không cần phải cải tạo ao.

Bằng cách sử dụng hệ vi sinh vật để xử lý chất thải, cung cấp dinh dưỡng, giảm bớt chi phí thức ăn và hóa chất. Giảm thiểu việc thải chất hữu cơ và chất dinh dưỡng ra môi trường, bảo vệ nguồn nước xung quanh. Môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm phát triển tốt, giảm nguy cơ bệnh tật và tăng năng suất.

Mô hình nuôi tôm năng suất cao dựa vào sức tải ao và hỗ trợ vi sinh vật đang mở ra một bước tiến lớn trong ngành nuôi trồng thủy sản. Với những lợi ích vượt trội về mặt kinh tế và môi trường, mô hình này không chỉ có tiềm năng phát triển rộng rãi tại Thái Lan mà còn trên toàn thế giới, hứa hẹn sẽ trở thành hướng đi đầy triển vọng cho ngành tôm.

Nuôi tôm năng suất cao bằng thay nước xử thải

Đây là một trong những mô hình được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, dựa trên việc thay nước định kỳ nhằm loại bỏ chất thải và duy trì môi trường ao nuôi ổn định.

Phương pháp thay nước xử thải hoạt động dựa trên nguyên tắc thay thế một phần nước trong ao nuôi để loại bỏ chất thải và duy trì chất lượng nước. Trong vòng 24 giờ, lượng chất thải phát ra được kiểm soát nhờ vào sức tải tự làm sạch của ao và việc thay nước định kỳ. Mật độ nuôi tôm trong mô hình này thường dao động từ 50-70 tấn/ha, cho phép đạt được năng suất cao.

Việc thay nước định kỳ giúp duy trì chất lượng nước và giảm thiểu nguy cơ tích tụ chất thải độc hại. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm, đồng thời hạn chế rủi ro về bệnh tật.

Mặc dù phương pháp thay nước xử thải mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại một số thách thức như: phương pháp này có thể không hiệu quả trong việc khử mặn đối với nước lợ, đặc biệt khi thời gian thay nước kéo dài từ 25-40 ngày. Ảnh hưởng đến khả năng duy trì môi trường lý tưởng cho tôm; việc thay nước định kỳ yêu cầu khối lượng nước lớn, dẫn đến chi phí tốn kém và nguồn nước dồi dào, có thể tạo áp lực lên tài nguyên nước; nếu nước thải không được tái sử dụng hoặc xử lý đúng cách, việc thay nước có thể dẫn đến phát sinh khí hiệu ứng nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu.

Để tối ưu hóa phương pháp nuôi tôm năng suất cao bằng thay nước xử thải, cần thay đổi tư duy và áp dụng các giải pháp cải tiến bằng cách xem xét việc tái sử dụng nước thải qua các hệ thống xử lý để giảm thiểu nước tiêu thụ và phát sinh khí hiệu ứng nhà kính. Nâng cấp công nghệ trong việc xử lý nước và quản lý chất thải để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Nuôi tôm năng suất cao tuần hoàn nước (RAS)

Mô hình nuôi tôm năng suất cao tuần hoàn nước được công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thủy sản và Môi trường SAEN chuyển giao cho nhiều cơ sở nuôi tôm đạt được năng suất cao và chi phí sản xuất thấp. Quy trình nuôi bao gồm:

Giai đoạn 1: 01 bể ương khung sắt lót bạt HDPE 100m3, 01 trống lọc loại drumfilter – DF100 của công ty SAEN với hiệu suất lọc 100 m3/giờ, 01 lọc sinh học với 5m3 giá thể có diện tích đặc hiệu là 800 m2/m3, 01 máy bơm chìm tuần hoàn hiệu Jebao với lưu lượng nước bơm 25 m3/giờ.

Giai đoạn 2: 01 bể nuôi khung sắt lót bạt HDPE 200m3, 01 trống lọc loại drumfilter – DF100 của công ty SAEN với hiệu suất lọc 100 m3/giờ, 01 lọc sinh học với 10m3 giá thể có diện tích đặc hiệu là 800 m2/m3, 02 máy bơm chìm tuần hoàn hiệu Jebao với lưu lượng nước bơm 50 m3/giờ.

RAS giai đoạn 3: 02 bể nuôi khung sắt lót bạt HDPE 200m3, 01 trống lọc loại drumfilter – DF100 của công ty SAEN với hiệu suất lọc 100 m3/giờ, 01 lọc sinh học với 20m3 giá thể có diện tích đặc hiệu là 800 m2/m3, 01 bể chứa tạm 25m3, 02 máy bơm chìm tuần hoàn hiệu Jebao với lưu lượng nước bơm 50 m3/giờ.

Hệ thống RAS giúp giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR), tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Mặc dù yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, chi phí vận hành được giảm nhờ vào việc tối ưu hóa sử dụng thức ăn và nước. Giảm thiểu việc thay nước và xả thải, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

Mô hình tuần hoàn tái sử dụng thải

Sơ đồ thực hiện mô hình tuần hoàn RAS tái tạo dinh dưỡng không xả thải

Mô hình này là dự án do TS. Nguyễn Nhứt làm chủ nhiệm với sự phối hợp với Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau và tổ chức Cirad- Pháp Sở tài trợ.

Ưu điểm của mô hình này là thực hiện theo công nghệ nuôi thuỷ sản tuần hoàn (RAS) và chia theo 3 giai đoạn: ương giống giai đoạn 1 khoảng từ 20-25 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 và 3 thông qua hệ thống tuần hoàn nước. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước >90%, giúp giảm tối thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước. Từ ưu thế này, người nuôi có thể thả tôm liên tục từ 6-8 vụ/năm, sản lượng nuôi bình quân đạt từ 60-70 tấn/ha/vụ.

Nước nuôi được tái tạo sử dụng cho cá rô phi và cho dinh dưỡng của các loài rong mền và rau câu. Cụ thể sự hấp thụ nitrogen. Sự hấp thục các chỉ tiêu khác như carbon, vật chất khô, phosphorus và CO2 cũng được xác định được đánh giá là tối ưu. Kết quả cũng cho thấy, khả năng tái tạo các nguồn carbon dưới dạng khí COtiềm năng phát thải nhà kính cho các sản phẩm phụ gần 100%.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi, người nuôi tôm bổ sung các chế phẩm sinh học, thảo dược vào thức ăn hàng ngày để tạo hệ thống miễn dịch và phòng vi khuẩn trên tôm. Từ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, tỷ lệ tôm sống đạt ≥ 80%; sản lượng đạt hơn 20%/ao so với trước đây; chỉ sau khoảng 2,5 tháng thả nuôi, thu hoạch tôm đạt kích cỡ 39 con/kg. Đặc điểm vượt trội nữa là màu tôm rất đẹp, chất lượng tôm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngoài nước.

Hà Anh