Anh Ngô Chiến Thắng (ấp 1, xã Sông Ray, Huyện Cẩm Mỹ) đã thành công với mô hình nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ tuần hoàn RAS (Recirculating Aquaculture System) – một công nghệ với ưu điểm giảm tối đa tỷ lệ thay nước, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng con giống và quá trình xả thải từ đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức của thị trường đòi hỏi đầu ra sản phẩm thủy sản phải đạt các yêu cầu như sản phẩm sạch, giá cả cạnh tranh, không gây ô nhiễm môi trường,… thì việc lựa chọn ứng dụng khoa học kỹ thuật và các công nghệ sản xuất tiên tiến thích hợp đã và đang là giải pháp tối ưu. Một điển hình đó là anh Ngô Chiến Thắng (ấp 1, xã Sông Ray, Huyện Cẩm Mỹ) đã thành công với mô hình nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ tuần hoàn RAS (Recirculating Aquaculture System) – một công nghệ với ưu điểm giảm tối đa tỷ lệ thay nước, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng con giống và quá trình xả thải từ đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với mô hình này, chàng trai Ngô Chiến Thắng đã vinh dự đoạt giải thưởng Lương Định Của năm 2020 của Trung ương Đoàn, là một trong những điển hình thanh niên trẻ của địa phương khởi nghiệp làm giàu bằng nghề nông.
Về cơ bản, RAS là công nghệ nuôi thủy sản tiết kiệm nước bằng cách tái sử dụng nguồn nước trong sản xuất dựa trên việc sử dụng các bộ lọc cơ học và sinh học. Tùy đối tượng, qui mô sản xuất và cơ sở vật chất hiện có, hệ thống sẽ được điều chỉnh, cải tiến để phù hợp cho từng mô hình cụ thể. Người nuôi có thể tận dụng hoặc cải tạo từ những cái có sẵn để linh hoạt sử dụng trong hệ thống tuần hoàn, giảm chi phí đầu tư. Ban đầu, anh Thắng khởi đầu nuôi lươn không bùn với 20 bể nuôi cải tạo từ những chuồng heo cũ. So với cách nuôi truyền thống, nuôi lươn không bùn cho lươn thương phẩm sạch sẽ được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Sau khi nuôi thành công lươn thịt, anh Thắng lại mày mò học hỏi tự ương lươn giống cung cấp cho thị trường. Sau đó, qua thông tin truyền thông, anh tiếp tục tìm hiểu hệ thống tuần hoàn RAS và lặn lội tìm đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (TP. Hồ Chí Minh) để được hướng dẫn chuyển giao lắp đặt hệ thống công nghệ tại cơ sở. Anh triển khai nuôi lươn giống trong hệ thống khay nhằm giúp tiết kiệm diện tích sàn (khoảng 18m2). Với kích thước 40×60 cm/khay, mỗi khay có thể nuôi đến 1.000 – 3.000 con giống. Kết quả cho tỷ lệ sống đạt 90%, chất lượng lươn giống đồng đều, đảm bảo nguồn đầu vào tốt.
Theo anh Thắng, chất thải rắn được tách bằng thiết bị tách thải tự động giúp loại bỏ công đoạn xả thải. Các chất thải hoà tan sẽ xử lý bằng hệ thống lọc sinh học có thiết bị tách thải tự động nên không xả thải ra môi trường. Nhờ đó, điều kiện nuôi được kiểm soát tốt, hạn chế mầm bệnh xâm nhập. Nguồn nước cấp có thể sử dụng từ nhiều nguồn như nước sông, nước giếng, nước máy,… tuy nhiên phải đảm bảo sự đồng nhất nguồn nước trong suốt vụ nuôi, hạn chế tối đa việc pha trộn các nguồn nước với nhau trong quá trình thay, cấp nước. Nguồn nước phải được xử lý sạch mầm bệnh và đảm bảo các thông số môi trường như pH, độ mặn, độ cứng, NH4+ ….phù hợp. Ngoài ra, trong mô hình tuần hoàn, hệ vi sinh là yếu tố cần thiết và quyết định sự ổn định của hệ thống nên phải được nuôi cấy và nhân giống để hình thành một tập đoàn vi sinh hoàn chỉnh trước khi thả giống (7 – 10 ngày). Trong quá trình nuôi, việc kiểm tra môi trường tuần hoàn RAS và bổ sung vi sinh định kỳ cũng phải được tuân thủ nhằm tăng cường mật độ và hoạt lực của vi sinh giúp kiểm soát tốt các mầm bệnh và các chất độc phát sinh ngày càng tăng trong quá trình nuôi.
Anh Thắng cho biết, “Bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước bao gồm bể nuôi, thiết bị lọc cơ học (để loại bỏ chất thải rắn, thức ăn dư thừa, bùn cặn), thiết bị lọc sinh học (dùng giá thể nhựa cấy vi sinh để giảm thiểu độc tố ammonia), thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, hệ thống giám sát chung cho cả quy trình nuôi.” Lươn được tập cho ăn cám viên từ bé (độ đạm 48 – 55 %). Theo anh Thắng, lươn bột ăn cám viên độ đạm cao lớn nhanh và ít bị bệnh đường ruột hơn so với khi cho thức ăn tươi sống. Trung bình có thể thu hoạch khoảng 100 kg lươn với bể 3m2. Ứng dụng công nghệ RAS trong mô hình với điểm mạnh tiết kiệm nước, chất lượng giống bảo đảm nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, để phòng chống bệnh hiệu quả cho lươn, anh Thắng còn nghiên cứu, pha chế ra chế phẩm sinh học với nguyên liệu chính là tỏi tươi xay nhuyễn, giấm, rỉ đường trộn vào thức ăn để phòng bệnh cho lươn để giảm việc sử dụng kháng sinh. Nhờ đó, cả con giống và lươn thịt tại trại nuôi đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp nên mang lại lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn của anh Thắng được nhiều nông dân, bạn trẻ các nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Hiện tại, ngoài cung ứng lươn giống và thương phẩm anh Thắng còn nhận hướng dẫn, lắp ráp bể nuôi và chuyển giao công nghệ cho bà con có nhu cầu.
Thiết nghĩ, việc ứng dụng hệ thống tuần hoàn trong nuôi thủy sản có nhiều ưu điểm như không tốn nhiều diện tích sản xuất, chi phí sản xuất phù hợp, lợi nhuận cao, lại phù hợp với nền nông nghiệp đô thị trong điều kiện đất nông nghiệp giảm, công nghiệp và đô thị phát triển. Đây là mô hình phù hợp cho quy mô nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi….Tuy nhiên, để nhân rộng và tiến tới thay thế hoàn toàn các trại nuôi truyền thống thì yếu tố đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân vẫn đóng một vai trò quan trọng.
Nguyễn Nguyên – Chi cục Thủy sản
Nguồn: sonongnghiep.dongnai.gov.vn