(Aquaculture.vn) – Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Với diện tích 0,3 ha ao đầm, những năm trước anh Lê Công Tuấn ở thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chủ yếu nuôi cá truyền thống như: trắm, trôi, mè chép,… nhưng hiệu quả không cao, đầu ra không ổn định. Sau một thời gian tìm hiểu, được biết tôm càng xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được người dân ở nhiều tỉnh thành nuôi thành công, nên anh đã mạnh dạn thử nghiệm. Theo đó, từ năm 2021, anh Tuấn quyết tâm nuôi thử tôm càng xanh trên diện tích là 1.000m2. Từ ao nuôi thử nghiệm đầu tiên, nhận thấy tôm phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh xảy ra. Tôm đến kỳ thu hoạch được thương lái đến tận nơi đặt hàng. Năm 2023, anh Tuấn đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ao hồ để nuôi tôm càng xanh. Lần này, anh thả nuôi 3 vạn tôm giống, sau hơn 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 60%, kích cỡ tôm thương phẩm 20-25 con/kg, anh thu về hơn 700kg, với giá bán giao động 300-350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí anh Tuấn có lãi 250 triệu đồng. So với nuôi cá truyền thống trước đây, nuôi tôm càng xanh mạng lại hiệu quả gấp 4-5 lần.
Chuyển sang nuôi tôm càng xanh anh Tuấn có thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm
Theo anh Tuấn chia sẻ, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh không quá khó, ít tốn công chăm sóc, ngoài thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho tôm, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như ốc, các loài cá nhỏ bắt ngoài đồng ruộng để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, để nuôi được loại tôm này cần có nguồn nước sạch, chủ động để thay thường xuyên giúp tôm lột xác thuận lợi và nhanh lớn; ao nuôi cần đầu tư 1-2 quạt nước nhằm tạo oxy để tôm phát triển tốt.
Cũng ở tại xã Cẩm Thạch, nhận thấy chăn nuôi lợn ngày càng khó khăn do giá cả thức ăn, con giống cao, dịch bệnh ngày càng phức tạp, hơn nữa, chăn nuôi nông hộ khó tránh khỏi ảnh hưởng môi trường xung quanh nên anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung đã cải tạo lại toàn bộ các ô chuồng trước đây chăn nuôi lợn để nuôi ếch. Qua tìm hiểu qua mạng và cất công vào miền Nam học hỏi kinh nghiệm, đầu năm 2021, anh đã cải tạo lại các ô chuồng, đầu tư thêm các hệ thống ống cấp thoát, lọc nước để nuôi ếch Thái Lan. Sau vài vụ đầu thắng lợi, anh Hiếu đã mở rộng quy mô từ 5 bể nuôi lên 8 bể, diện tích mỗi bể 8m2, anh thả hơn 6000 con ếch giống. Để giảm bớt chi phí mua con giống, anh Hiếu đã cho ếch đẻ và ương giống thành công.
Theo tính toán của anh Hiếu, cứ sau 3 tháng ếch đạt trọng lượng 200-250gr/con là có thể thu hoạch. Với cách nuôi gối vụ, cùng với bán ếch giống, mỗi năm anh Hiếu xuất bán hơn 2 tấn ếch thương phẩm với giá giao động 60.000-70.000đồng/kg, hơn 4000 con ếch giống với giá 2.500 đồng/con, sau khi trừ chi phí anh có lãi từ 250-300 triệu đồng/năm.
Anh Hiếu cải tạo chuồng lợn để nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao
Anh Hiếu cho biết: Đối với nuôi ếch, vốn đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc và cho ếch ăn không mất nhiều thời gian, có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi trong ngày; quan trọng đây là loài thủy đặc sản lưỡng cư có thịt thơm, ngon, bổ dưỡng đang được thị trường ưa chuộng, là món đặc sản của các nhà hàng nên hiện đầu ra khá thuận lợi, giá bán rất ổn định.
“Điều lưu ý khi nuôi đối tượng này là mật độ vừa phải, khoảng 80-100con/m2; giống phải đồng đều, sau 7-9 ngày từ khi thả giống cần phải phân cỡ lựa đàn không để nuôi chung, con lớn sẽ ăn con nhỏ gây thất thoát. Đặc biệt không được để ếch đói và phải dọn vệ sinh thay nước hàng ngày để ếch không bị dịch bệnh.”. Anh Hiếu chia sẻ thêm.
Không chỉ riêng lĩnh vực thủy sản mà thời gian qua, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ dân tại huyện Cẩm Xuyên đã mạnh dạn đưa nhiều đối tượng mới vào nuôi mạng lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Cẩm Trung, nhắc đến anh Nguyễn Văn Ý nuôi dúi ở thôn Trung Tiến, ai cũng biết, bởi anh là người đầu tiên đưa vật nuôi “độc lạ” này vào nuôi trên địa bàn. Anh Ý cho biết: Từ năm 2019, sau nhiều trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, nhận thấy dúi là loài động vật dễ nuôi lại mang đến giá trị kinh tế cao, tôi đã ra tận Quảng Ninh để tìm hiểu quy trình kỹ thuật cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau lần đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, và mua 30 cặp dúi với giá trị 100 triệu đồng về nuôi. Nhờ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đàn dúi sinh trưởng tốt, số lượng đàn dần tăng lên. Hiện tại, mô hình của tôi luôn duy trì ở mức gần 200 con dúi”.
Mô hình nuôi dúi của anh Ý đang được nhiều người tham quan học hỏi kinh nghiệm để áp dụng
Theo anh Ý, quy trình nuôi dúi khá đơn giản mà lại không tốn quá nhiều diện tích, chuồng trại cũng dễ làm khi chỉ cần dùng các tấm gạch men hoặc tấm bê tông gắn lại với nhau. Điều lưu ý khi làm chuồng là phải bố trí ở nơi ít tiếng động, kín gió và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp; vào mùa hè, cần có thể bố trí thêm hệ thống làm mát để chống nóng cho dúi.
Về thức ăn của dúi chủ yếu như: tre, mía, ngô nên người nuôi có thể tận dụng diện tích vườn và tự trồng để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, nguồn thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, không ôi, mốc để phòng tránh dịch bệnh, bởi dúi thường dễ mắc các bệnh về đường ruột.
Hiện nay, anh Ý đang nuôi 2 loại dúi là: dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác.
Không chỉ nuôi thương phẩm, anh Ý còn nuôi dúi sinh sản và bán giống để tăng thu nhập. Theo anh Ý, trung bình mỗi năm dúi sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2 – 4 con. Hiện tại, dúi giống được anh Ý bán ra tại nhiều tỉnh thành như: Nghệ An, Quảng Bình và một số tỉnh thành phía Bắc. Với giá bán hiện nay của dúi thịt là 500 nghìn đồng/kg, dúi giống 2,2 triệu đồng/kg, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 400 triệu đồng.
Từ thành công mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Văn Ý, nhiều người dân địa phương đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng triển khai. Đến nay, trên toàn xã đã có thêm 5 mô hình nuôi dúi, các mô hình đang phát triển rất tốt.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Cẩm Xuyên cho biết: Thời gian qua, ở huyện Cẩm Xuyên đã phát triển nhiều mô hình với nhiều đối tượng cây, con mới. Đặc biệt những năm gần đây, người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình nuôi con đặc sản như: dúi, chồn, ếch, tôm càng xanh, lươn… Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ. Tuy nhiên, để triển khai nhân rộng trong thời gian tới, song song với việc hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, chú trọng hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá cụ thể và có tham mưu trong công tác quy hoạch, kế hoạch, lựa chọn những đối tượng nuôi phù hợp để đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh