Thứ Hai, 19/07/2021, 14:00

Tác động của hình dạng bể nuôi và sục khí đến ấu trùng cá tráp quy mô nhỏ

Cá tráp là mô hình nghiên cứu có thể dùng để tham khảo cho nhiều đối tượng nuôi khác. Ảnh: Weanimalsmedia.
Cá tráp là mô hình nghiên cứu có thể dùng để tham khảo cho nhiều đối tượng nuôi khác. Ảnh: Weanimalsmedia.

Điều kiện trong bể ương ấu trùng là những yếu tố quan trọng để tăng cường tỷ lệ sống và cải thiện tăng trưởng trong nhiều hệ thống khác nhau từ quy mô nhỏ đến lớn, và trong nhiều trường hợp, sự khác biệt giữa hình dạng bể nuôi trong một hệ thống nuôi sẽ đem đến những hiệu quả khác nhau.

Điều này có thể do các yếu tố như sự khác biệt về tốc độ dòng chảy, lượng thức ăn viên và tươi sống được sử dụng, mật độ tảo trong hệ thống, sự thay đổi nhiệt độ, độ mặn và ánh sáng. Nhiều nghiên cứu đã tập trung vào các thông số vật lý trên, tuy nhiên thiết kế bể là một trong những lưu ý quan trọng khi ương nuôi cá bột ít được nhắc đến cũng như dòng chảy và sự đối lưu nước trong bể là một khía cạnh cơ bản cho các thiết kế bể trong ương nuôi ấu trùng.

Cá tráp (Pagrus major) là một trong những loài quan trọng nhất đối với nghề cá thương mại ven biển ở khu vực châu Á nhờ vào mùi vị thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao và khả năng sinh trưởng nhanh. Bên cạnh đó, cá tráp không chỉ được xem như một mô hình nghiên cứu khoa học hữu ích mà còn là tài liệu tham khảo cho các loài vật nuôi khác.

Cận cảnh loài cá tráp đỏ (Pagrus major). Ảnh: Morigami.
Cận cảnh loài cá tráp đỏ (Pagrus major). Ảnh: Morigami.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng hình dạng bể nuôi và cách bố trí hệ thống sục khí có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ấu trùng cá tráp. Để kiểm tra giả thuyết này, trứng đã thụ tinh của cá tráp được mua từ một trại giống tư nhân và vận chuyển đến phòng thí nghiệm Đại học Nagasaki. Trứng được phân bố đều  trong các bể nhỏ 50L có hình dạng cùng với các hệ thống sục khí khác nhau.

(1) Bể hình trụ có một đá sục khí tốc độ sục khí 100 ml/phút ở trung tâm đáy bể.

(2) Bể hình chữ nhật có một đá sục khí tốc độ sục khí 100 ml/phút ở trung tâm đáy bể.

(3) Bể hình chữ nhật có hai viên đá sục khí tốc độ sục khí 50 ml/phút ở mỗi tâm của nửa đáy bể.

Mỗi bể thí nghiệm được cho ăn luân trùng (Brachionus plicatilis) và tảo Chlorella  trong vòng 14 ngày sau khi nở. Tỷ lệ sống và các chỉ tiêu cần thiết đã được ghi nhận.

Kết quả ghi nhận cho thấy rằng tốc độ dòng chảy trong bể (1) nhanh hơn bể (2) và (3). Tỷ lệ sống sau 14 ngày trong bể (1) và bể (2) tương tự nhau lần lượt là 54,7% và 55,3% cao hơn gấp 2 lần so với bể (3) là 29,6%. Điều này có thể là do hai vòng xoáy được hình thành giữa hai thiết bị sục khí trong bể (3) có thể khiến ấu trùng cá choáng váng, tiếp xúc với thành bể và bọt khí thường xuyên hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ bong bóng cá bị tổn thương ở bể (1) cao hơn đáng kể so với bể (2) và (3). Nguyên nhân có thể là do tốc độ dòng chảy trong bể (1) cao hơn khoảng 1,2 lần trong khi tốc độ bơi trung bình của ấu trùng cá tráp có thể ước tính trong nghiên cứu này là dưới 4,6 mm/s. Tốc độ nước cao không chỉ có thể ngăn cản ấu trùng bám vào bề mặt nước mà còn làm cho bong bóng cá bị tổn thương.

Việc bong bóng cá trong giai đoạn ấu trùng bị tổn thương được biết là nguyên nhân gây ra các dị tật như cong vẹo cột sống sẽ xảy ra khi cá đến giai đoạn cá con. Đáng chú ý là tỷ lệ bong bóng cá bị tổn thương được quan sát thấy mà không có bất kỳ biểu hiện dị dạng bên ngoài nào của ấu trùng cá tráp trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, điều này có thể là do ấu trùng trong nghiên cứu này (chiều dài cơ thể <5,0 mm) quá nhỏ để phát hiện dị tật.

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm kiếm điều kiện tối ưu cũng như kiểm tra tác động của hình dạng bể nuôi và sục khí đối với sự phát triển, tỉ lệ sống và khả năng bơi lội của ấu trùng trong quy mô nhỏ với đối tượng là ấu trùng cá tráp (P. major). Kết quả từ nghiên cứu này đề xuất việc sử dụng bể hình chữ nhật với quy mô nhỏ 50L và hệ thống một đá sục khí là lựa chọn thích hợp hơn đối với quy trình ương nuôi ấu trùng cá tráp vì khi đó tỷ lệ sống được nâng cao, khả năng bơi ổn định và hạn chế bong bóng cá bị tổn thương.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất rằng việc đo mật độ thức ăn tươi sống (luân trùng, artemia) tại các điểm khác nhau của bể ương nuôi ấu trùng là một trong những phương pháp thực tế để ước tính vận tốc dòng chảy trong bể. Do đó, việc thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn là việc làm cần thiết để cung cấp thêm thông tin một cách chi tiết nhất.

Uyên Đào
Nguồn: Tepbac.com