Thứ Năm, 3/06/2021, 8:30

Hạn chế tình trạng cá nuôi chết bất thường

Những năm gần đây, một số vùng nuôi thủy sản lồng bè trọng điểm trên sông Đuống, sông Thái Bình; sông Cái Vừng (An Giang); sông La Ngà (Đồng Nai); sông Chà Và (Vũng Tàu) và một số sông ở khu vực miền trung… thường xảy ra thiệt hại do biến động môi trường. Tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà, những năm gần đây thường xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt sau mưa lớn đầu mùa.

Nguyên nhân là do trong giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường sẽ biến động mạnh kết hợp với mưa lũ đầu mùa khiến nước bị ô nhiễm hữu cơ cao, ô-xy hòa tan thấp… gây bất lợi cho thủy sản nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt. Gần đây, trên khu vực sông La Ngà và tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè, cá lăng, trắm cỏ, điêu hồng… lờ đờ, nổi đầu và chết hàng loạt. Nguyên nhân cũng do những biến động bất lợi về môi trường. Lượng mưa lớn kéo dài, cuốn theo tất cả các vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực, làm môi trường thay đổi đột ngột. Các vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh sẽ khiến ô-xy hòa tan trong nước bị giảm đáng kể, nhất là vào ban đêm và sáng sớm.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, hồ và thủy sản nước ngọt, ngành nông nghiệp và thủy sản các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng vận động người nuôi thực hiện xác nhận đăng ký nuôi lồng/bè theo Điều 36, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019; thực hiện các quy định về nuôi cá lồng bè và nước ngọt theo Quy chuẩn Việt Nam; tổ chức rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của các viện nghiên cứu, trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thủy sản.

Chủ động phối hợp cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thủy sản bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh.

Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi như: Giống thả nuôi phải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định; bổ sung vi-ta-min, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra, các cơ sở, cá nhân nuôi cá nước ngọt cần theo dõi sát thông tin thị trường để thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm thủy sản chất lượng, an toàn, dễ truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, phía lực lượng chuyên trách cần quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

TÂM THỜI

Nguồn: Việt Linh