Trải qua nhiều thăng trầm trong việc nuôi đủ các loài cá trên sông Hậu, ông Lý Văn Bon cũng đã thành công khi làm theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm cho gia đình
Duyên nợ với cá
Ông Bảy Bon (59 tuổi; ngụ cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sinh ra tại vùng đất có nhiều tôm, cá là Cà Mau. Tốt nghiệp Trường ĐH Thủy sản Nha Trang nhưng ông lại về Cục Hải quan tỉnh Cà Mau công tác. Dù vậy, máu đam mê nuôi trồng thủy sản nổi lên nên ông đã dành thời gian nuôi thêm cá lóc, cá tra để cải thiện thu nhập gia đình.
“Thế rồi, như duyên nợ với cá, cách đây khoảng 20 năm, tôi tình cờ quen một tiến sĩ chuyên về thủy sản người Pháp là ông Philip Serene. Tiến sĩ Philip Serene nói với tôi rằng dòng sông Mê Kông nuôi cá rất thuận lợi mà trên thế giới không nơi nào sánh bằng. Sau đó, tôi nghỉ việc tại Cà Mau rồi phối hợp với ông Philip Serene cùng nhiều tiến sĩ về thủy sản ở Hungary và Trường ĐH Cần Thơ chọn cồn Sơn để đặt bè cá, tiến hành nghiên cứu” – ông Bảy Bon nhớ lại.
Ông Bảy Bon cho biết ngày trước, tại khu vực sông Hậu, dòng nước chảy ngang qua cồn Sơn rất mạnh nên ít bị ô nhiễm, giúp cá nuôi mau lớn. Lúc ấy, nhóm của ông tập trung nghiên cứu các loại cá như: cá tra, bống tượng, dứa nước ngọt, chạch lấu, bông lau… Quá trình nghiên cứu tập trung vào hệ số thức ăn, kiểm tra bệnh trên từng loài, tỉ lệ tăng trọng cũng như hao hụt, thời điểm cá đẻ trứng…
“Nhóm nghiên cứu quan niệm nếu cứ đánh bắt thì đến một ngày nào đó, nguồn cá tự nhiên cũng cạn kiệt. Cho nên, khi cá đẻ trứng, ươm thành cá giống, chúng tôi đều thả về tự nhiên. Trong quá trình làm việc với họ, tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, nhất là ghi chép lại quá trình nuôi cho ra sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người dùng và có lợi nhuận. Để làm được vậy, tôi phải nuôi theo quy trình sạch. Chính điều này đã giúp tôi định hướng nuôi cá thát lát cườm bằng tiêu chuẩn VietGAP và rất thành công” – ông Bảy Bon hào hứng.
Thành công ngoài mong đợi
Năm 2010, khi nhóm nghiên cứu rời đi, ông Bảy Bon cùng gia đình quyết định nuôi cá điêu hồng trên 2 lồng bè. Ông cho biết mình chọn điêu hồng vì cá này rất được thị trường ưa chuộng lúc đó. Hơn nữa, đây là loài cá dễ nuôi, đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao. Nhờ có lãi nên mỗi năm, ông đầu tư thêm lồng bè thả xuống sông Hậu, mở rộng quy mô nuôi cá.
Thế nhưng, 2 năm sau, bỗng dưng có tin đồn cá điêu hồng chứa chất gây ung thư, làm giá loài cá này rớt thê thảm, đầu ra bấp bênh. Ông Bảy Bon không chùn bước, tiếp tục thử sức nuôi cá chép giòn. May mắn vẫn chưa mỉm cười với người đàn ông này do trong quá trình nuôi, cá bị bệnh thối thân.
Vì muốn thử sức nuôi và nghiên cứu một loài cá “mới toanh” nên ông Bảy Bon đã chọn thát lát cườm. Loài cá này có ưu điểm là thịt dai, giòn, có thể làm chả và chế biến được nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, thời điểm ấy chỉ có vùng Hậu Giang mới nuôi giống cá này nhưng diện tích ao nuôi rất ít.
“Tôi quyết định đưa cá thát lát cườm xuống nuôi dưới dòng chảy sông Hậu theo tiêu chuẩn VietGAP để xem có khác gì so với nuôi trong ao không. Nào ngờ, cá rất mau lớn, sản phẩm bán ra thị trường rất được nhiều người tiêu dùng đón nhận vì ăn rất ngon” – ông Bảy Bon phấn khích.
Đến năm 2016, do ảnh hưởng sự cố Formosa ở miền Trung, cá thát lát xuất khẩu sang Nhật, Úc bị hủy đơn hàng. Giá cá thát lát cườm trong nước cũng giảm sâu, từ 90.000 đồng/kg chỉ còn 20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhờ ông Bảy Bon nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và có thương hiệu nên về sau, thị trường nước ngoài vẫn chấp nhận, đặt hàng nhiều. Hiểu cảnh “được mùa rớt giá”, “được giá thì mất mùa”, ông đã hình thành nên một cơ sở sản xuất chả cá thát lát, cá thát lát rút xương để bán cho đại lý, khách du lịch và xuất khẩu.
Đến nay, ông Bảy Bon sở hữu 30 lồng bè nuôi nhiều loài cá, ngoài thát lát cườm còn có xác sọc, cá heo, cá mú nước ngọt, cá koi… Năm 2016, ông phối hợp với người dân cồn Sơn làm du lịch cộng đồng. Điểm tham quan của ông rất được nhiều du khách ghé đến. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, nơi đây đón tiếp 300-500 du khách/ngày; dịp lễ, Tết lên đến hơn 1.000 người. Với việc vừa bán cá vừa làm du lịch, ông Bảy Bon thu về cho gia đình trung bình mỗi năm 5-7 tỉ đồng.
Ca Linh
Báo Người Lao Động