Những năm qua chủ trương phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, góp phần tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được nhiều hộ dân nuôi cá lồng chọn thả nuôi như chép giòn, trắm đen, trắm cỏ. Vì vậy, việc đưa những đối tượng nuôi này vào phát triển là hết sức cần thiết.
Cá trắm đen là đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, có hàm lượng protein từ 40% trở lên trong suốt quá trình nuôi mà không cần bổ sung thức ăn của loài tự nhiên (trai, sò, ốc hến). Để giúp ngư dân lựa chọn được phương thức nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và PTNN Công nghệ cao Bắc Ninh triển khai mô hình “Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên có hàm lượng protein từ 40% trở lên để nuôi thâm canh cá trắm đen bằng lồng trên sông”. Mô hình được triển khai tại 2 hộ trên địa bàn xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, với quy mô 04 lồng nuôi có kích thước 9 x 6 x 3 (m)/lồng.
Các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phục vụ nuôi thâm canh cá lồng; đều thực hiện quy trình nuôi cá theo chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận. Trước khi thả giống các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo mới tiến hành thả giống. Cá giống được chọn lựa từ đơn vị cung ứng cá trắm đen giống có uy tín, có vị trí địa lý gần nơi triển khai mô hình nhằm giảm stress do vận chuyển và nhanh thích nghi với môi trường nuôi mới. Cá giống đảm bảo chất lượng, kích cỡ đồng đều từ 1-1,2 kg/con, cá khỏe mạnh, không dị hình, không sây xát. Cá được thả ngày 30/3/2020 với mật độ 10 con/m³ lồng và mỗi lồng thả thêm 3-5 con cá dọn bể để dọn sạch đáy lồng.
Sau khi thả giống, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đều thực hiện theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật đề ra, như cho cá ăn theo phương pháp 4 định (định vị trí, định chất lượng, định số lượng, định thời gian) nhằm đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho cá, tránh việc thiếu hoặc thừa thức ăn. Thức ăn sử dụng trong suốt quá trình nuôi là thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein ≥ 40%. Định kỳ 30 ngày/lần chủ hộ cũng cán bộ kỹ thuật kéo bắt cá lên cân, đo kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để có sự điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh hiện tượng thừa hay thiếu thức ăn.
Kết quả sau hơn 8 tháng nuôi, bình quân khối lượng cá trắm đen tại các điểm đạt 5,54 kg/con, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95,5%, năng suất ước đạt 52,9 kg/m³ lồng. Theo ông Nguyễn Văn Thoan, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, chủ hộ tham gia mô hình cho biết: “Với giá bán hiện tại gia đình tôi cầm chắc lãi 140-150 triệu/lồng”. Để đạt được kết quả đó gia đình ông luôn phải đảm bảo môi trường lồng nuôi luôn sạch và ổn định nhằm hạn chế bệnh do vi khuẩn gây ra đối với cá trắm đen. Định kỳ 10-15 ngày/lần gia đình ông đều tiến hành vệ sinh lồng nuôi bằng cách dùng máy bơm áp lực cao xịt rửa xung quanh lưới lồng nhằm tạo độ thông thoáng, đảm bảo nguồn nước trong lồng được lưu thông và các chất thải của cá được đưa ra khỏi lồng nuôi. Đặc biệt ông Thoan cũng cho biết so với nuôi cá trắm đen trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp thì nuôi cá trắm đen trong lồng không tốn nhiều nhân lực, một lao động có thể nuôi được 10 lồng, còn đối với nuôi 1 ha ao cần ít nhất 2 lao động trở lên. Thời gian nuôi lồng chỉ bằng một nửa so với nuôi ao, mật độ thả cao hơn nhiều lần.
Thực tế từ kết quả mô hình cho thấy nuôi cá trắm đen bằng lồng trên sông sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên có hàm lượng protein từ 40% trở lên rất dễ áp dụng và có thể triển khai tại nhiều vùng nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó mô hình đã được nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập, để áp dụng triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
TTKN Quốc Gia