Giữa đại ngàn Hoàng Liên, những con cá tầm dài cả mét, nặng bằng người trưởng thành vùng vẫy trong làn nước trong vắt, mang theo ước mơ làm giàu của chàng thanh niên 9X.
Dễ đến gần 5 năm, tôi chưa trở lại Dền Thàng, xã Tả Van (thị xã Sa Pa). Dền Thàng là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Tả Van hơn 15 km, cũng vì khoảng cách xa, đường sá khó đi, nên nơi đây chẳng mấy khi có người ghé thăm. Lần này, tôi “bị” kéo trở lại Dền Thàng bởi lời giới thiệu của một đồng nghiệp về chàng trai 9X bỏ phố lên núi, nuôi những con cá tầm khổng lồ giữa núi rừng Hoàng Liên.
Sau chừng ấy năm, “ấn tượng” không đổi của tôi là cung đường hơn 15 km vẫn trơ sỏi cuội và đất đá bị nước mưa cuốn trôi. Đường xóc, dốc đứng, nhiều đá khiến tôi và những đồng nghiệp đi cùng liên tục phải gài số 1 xe máy để vượt dốc. Thỉnh thoảng, cả nhóm lại phải dừng nghỉ giải lao vì cánh tay tê dại. Hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến được trại cá nước lạnh ở thôn Dền Thàng của chàng trai sinh năm 1992 – Nguyễn Anh Tuấn.
Rời ghế nhà trường năm 2015 sau khi kết thúc chương trình đại học với chuyên ngành quản trị kinh doanh, Nguyễn Anh Tuấn không ở lại phố và trở về Sa Pa, cùng bố mẹ tìm đến thôn Dền Thàng để phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh. Theo chia sẻ của Tuấn, ở Dền Thàng cái gì cũng khó (đường giao thông khó khăn, không sóng điện thoại, không điện lưới, không internet). Trái lại, nơi đây có khí hậu lạnh, nguồn nước trong mát, dồi dào quanh năm, nên rất thích hợp nuôi cá nước lạnh.
Tuấn nói về quyết định bỏ phố lên vùng đất hẻo lánh Dền Thàng lập nghiệp: Tôi muốn tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ngoài ra, xây dựng mô hình thành công còn có thể giúp tạo việc làm ổn định và động lực để người dân Dền Thàng cùng phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.
Vừa trò chuyện, Tuấn vừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá nước lạnh với quy mô hơn 30 bể, được gia đình đầu tư hơn 9 tỷ đồng, mỗi năm xuất bán ra thị trường 10 – 15 tấn cá hồi và 20 – 30 tấn cá tầm thương phẩm. Ngoài nuôi cá thương phẩm, mỗi năm trại cá của Nguyễn Anh Tuấn còn sản xuất 10 – 15 vạn cá giống phục vụ gia đình và cung cấp cho các hộ nuôi cá nước lạnh trong và ngoài tỉnh. Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Nuôi cá nước lạnh phụ thuộc vào thị trường, nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 2 tỷ đồng, nếu cá bị bệnh chết hoặc giá cá giảm thì lợi nhuận không đạt.
Thấy chúng tôi hứng thú với đàn cá tầm khổng lồ, Tuấn dẫn đến bể cá rộng chừng 60 m2 ngay lối vào trang trại và kể: Dưới bể này có 5 con cá tầm trọng lượng từ 25 đến 50 kg, 20 con từ 10 đến 15 kg và nhiều con từ 5 đến 10 kg.
Những con cá tầm “khổng lồ” được Tuấn cùng bố mua lại của một “đại gia” ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên từ 3 năm trước. Trong chuyến đi này, Tuấn mua được 9 con cá tầm “khủng” (từ 20 đến 50 kg) nhưng sau đó để chết 2 con vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Những con cá nhỏ hơn là gia đình mua lại của các trang trại trong tỉnh và tự nuôi từ khi cá còn bé. Đàn cá tầm “khổng lồ” được gia đình Tuấn nuôi với mục đích lấy trứng thương phẩm vì trứng cá tầm có giá trị kinh tế cao (20 – 25 triệu đồng/kg).
Chờ hơn nửa tiếng rút gần cạn nước bể, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến những con cá tầm dài cả mét, nặng bằng người trưởng thành. Dưới bể nước, hàng trăm con cá chậm rãi bơi trong làn nước trong vắt. Nổi bật là cặp cá màu trắng nhạt luôn bơi theo nhau quanh bể. Tuấn bảo: Trước đây, trong bể có một con cá tầm lớn nhất, nặng 60 kg, dài gần 1,8 m, nhưng tháng trước có một khách đến mua về nuôi làm cảnh. Hiện trong bể có 2 con cá nặng 50 kg, dài khoảng 1,6 m, còn lại là cá có trọng lượng từ 5 đến 40 kg.
Mặc quần áo bảo hộ, loay hoay một lúc, Tuấn và một thanh niên mới tiếp cận được con cá đầu đàn để nâng lên cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Quả thật, con cá tầm lớn không kém những con cá mập đại dương mà chúng tôi thường thấy trên truyền hình. Mỗi lần cảm thấy bị đe dọa, con cá lại quẫy mạnh làm nước bắn tung tóe, nhiều lúc 2 chàng thanh niên bị con cá tầm quật ngã.
Anh Giàng Seo Ký, công nhân trại cá cho hay: Cá tầm rất khỏe, những con cá nặng trên 10 kg phải 20 phút mới bắt được. Còn đối với cá 40 – 50 kg, mỗi lần bắt phải huy động 4 – 5 người, dùng bao tải trùm đầu cá mới có thể bắt và vận chuyển đi nơi khác.
Sau khi nâng cá cho chúng tôi chiêm ngưỡng và kiểm tra sức khỏe đàn cá, Tuấn nhanh chóng xả nước vào bể để tránh cá bị sốc nhiệt. Theo Tuấn, ở Sa Pa chỉ có vài người nuôi cá tầm “khổng lồ”, chủ yếu là một số trại và “đại gia” nuôi làm cảnh. “Ở Sa Pa có rất ít người nuôi cá lấy trứng, nên tôi muốn phát triển nghề nuôi cá tầm lấy trứng trong tương lai” – chàng trai 9X nói.
Chia tay Dền Thàng, chia tay chàng trai 9X và đàn cá tầm “khổng lồ” giữa đại ngàn trở về theo con đường lổn nhổn sỏi cuội, chúng tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực của Tuấn với ước mơ lập nghiệp để truyền cảm hứng cho thanh niên và người dân nơi đại ngàn Hoàng Liên.
Đức Phương
Báo Lào Cai