“Sông trong ao” là cách gọi của một hệ thống công nghệ nuôi thủy sản tiên tiến được Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ phổ biến. Bản chất của hệ thống này là tập trung nuôi cá trong máng hoặc bể xi măng xây trong ao có thể tích 220 m3. Trong bể được trang bị máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước tạo dòng chảy liên tục trong ao, làm cho thủy sản luôn vận động và bơi ngược dòng 24/24 giờ. Dòng nước tuần hoàn sẽ đẩy chất thải xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, nhờ đó nước ao nuôi luôn sạch. Phần nước này được chảy qua bể thả thực vật thủy sinh, do đó các chất thải hòa tan sẽ tiếp tục được hấp thụ. Nước sạch sẽ quay trở lại ao và tiếp tục tuần hoàn vào máng nuôi.
Là một trong những mô hình nuôi cá sông trong ao tiên phong ở tỉnh Hà Nam, hiện tại Hợp tác xã sông trong ao Hải Đăng, thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đang có 10 ha diện tích ao nuôi, với 8 máng nuôi cá; sản lượng mỗi năm thu được khoảng 200 tấn cá tươi.
Khi ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX bật máy cho cá ăn tự động cả đàn cá dày đặc nổi lên mặt nước. Ông Hiếu chia sẻ, do diện tích bể nuôi nhỏ nên rất thuận tiện trong quản lý môi trường, giảm lượng thức ăn và hóa chất, cũng như thuận lợi trong thu hoạch. Phương pháp này tạo môi trường nước sạch, hầu như không phải thay nước trong vòng 5-6 năm, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 95%, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trưởng nhanh, thịt săn chắc.
“Hợp tác xã chúng tôi bắt đầu triển khai mô hình từ năm 2019. Trước đây, trên diện tích tôi đang triển khai cũng đang nuôi cá truyền thống. Khi học tập mô hình này tôi thấy hiệu quả về năng suất tăng từ 3-4 lần so với nuôi truyền thống. Chính vì tăng như vậy nên giá trị kinh tế mang lại cũng tăng cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Được áp dụng ở Việt Nam từ khoảng 7 năm nay, mô hình “nuôi cá sông trong ao” đã phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; bước đầu khẳng định được hiệu quả nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản và cải thiện môi trường ao nuôi. Tuy vậy, để đạt được thành công với công nghệ này đòi hỏi người nuôi phải đầu tư bài bản.
Qua tiếp cận một số mô hình đã triển khai ở Việt Nam, ông Châu Huệ Hoa, Giám đốc Kỹ thuật Nuôi trồng Thủy sản của Hội đồng Xuất khẩu Đậu Nành Hoa Kỳ tại Trung Quốc đánh giá, nhiều mô hình chưa đạt hiệu quả như mong đợi do người dân vì tiềm lực kinh tế hạn chế nên đã bỏ qua một số khâu quan trọng. Bên cạnh đó, các nông hộ chưa có kinh nghiệm trong quản lý, marketing nên sản phẩm tạo ra có chất lượng cao nhưng giá bán không tăng so với cách thức nuôi truyền thống.
“Người nuôi thường quan tâm đến năng suất tăng lên bao nhiêu, nhưng tỷ suất lợi nhuận như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Để cải thiện tỷ suất lợi nhuận của mô hình nuôi cá sông trong ao, bản thân người nuôi trồng thủy sản phải cải thiện việc quản lý vận hành hệ thống; lựa chọn loài theo nhu cầu thị trường, có giá trị kinh tế cao ở vùng đó; thiết lập chiến lược sản xuất, xây dựng được thương hiệu, để sản phẩm có giá bán cao hơn. Người nuôi cũng cần mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm, có thể chế biến để gia tăng giá trị”, ông Châu Huệ Hoa cho biết.
Công nghệ sông trong ao được coi là nền tảng giúp các sản phẩm thủy sản bước chân được vào những thị trường khó tính và tiềm năng. Thực chất, đối với tiêu dùng nội địa, Việt Nam có nhiều điều kiện sản xuất thủy sản nhưng nhiều sản phẩm chất lượng cao vẫn phải tiêu thụ ở thị trường chợ truyền thống với giá bán thấp do chưa thiết lập được kênh tiêu thụ.
“Nhu cầu sông trong ao phải đặt trong bối cảnh chúng ta sản xuất sản phẩm chất lượng hơn, có quy mô lớn hơn và vấn đề quan trọng là giảm phát thải gắn với truy xuất nguồn gốc. Chúng ta nói rất nhiều đến việc tổ chức sản xuất thành các vùng sản xuất cùng một công nghệ, đồng đều về chất lượng thì mới xây dựng được thương hiệu. Đấy là do cách tổ chức sản xuất của chúng ta chưa làm được – thời điểm nào cần bao nhiêu, xuống giống lúc nào cho phù hợp, chăm sóc thế nào? Bây giờ chúng ta không đi sâu vào sản lượng mà là hiệu quả kinh tế. Thấy được hiệu quả kinh tế thì người dân mới mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.
Nuôi cá sông trong ao được đánh giá là mô hình sạch môi trường, tạo điều kiện cho thủy sản phát triển bền vững. Việc áp dụng khoa học công nghệ giúp cho quá trình sản xuất đạt được năng suất, chất lượng tốt hơn. Nhưng để đạt được hiệu quả cao, cần phải tạo ra thị trường tốt. Có như vậy, mô hình mới đạt được đích đến cuối cùng mà người nuôi quan tâm đó là: “mang lại lợi ích kinh tế vượt trội cho nhà nông”.