Thứ Ba, 16/04/2024, 13:00

Nuôi cá rô phi làm chả, hướng đi mới cho người nuôi cá ở Hải Dương

Cá rô phi được Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt chế biến thành chả không chỉ góp phần nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm mà còn giúp người nuôi cá bớt lo lắng về thị trường tiêu thụ.
Sơ chế cá rô phi tại Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt, ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc)

Lợi nhuận khá

Tại Hải Dương, cá rô phi được xem là giống thủy sản chủ lực với diện tích nuôi thả trên 3.700 ha, chiếm gần 30% diện tích thủy sản của tỉnh. Sản lượng cá rô phi trung bình gần 70.000 tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng cá rô phi toàn quốc. Dù vậy, hạ tầng phục vụ chế biến sản phẩm từ cá rô phi chưa phát triển, tính liên kết chuỗi trong sản xuất còn thiếu. Phần lớn cá rô phi được tiêu thụ dạng tươi sống trong tỉnh hoặc một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với các loại thủy sản khác.

Nhằm hỗ trợ và tạo động lực cho nuôi cá rô phi phát triển hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị trên thị trường, Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt, ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) thực hiện dự án “Chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi bằng công nghệ sinh học tại Hải Dương”.

Cá được đưa vào máy xay

Đơn vị đã xây dựng khu nhà máy rộng 500 m2, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến cá. 12 kỹ thuật viên của hợp tác xã được đào tạo, tập huấn để tiếp nhận công nghệ sản xuất chả cá.

Cá rô phi được sơ chế, xử lý mùi bùn, mùi tanh, phối trộn gia vị theo tỷ lệ thích hợp, xay, quết tạo bán thành phẩm. Sau thời gian ủ, chả được làm chín bằng cách hấp hoặc chiên trong dầu. Sản phẩm được đóng gói, hút chân không; có 2 loại là chả bánh và chả viên. Hiện nay, hợp tác xã đang sản xuất 5 tấn nguyên liệu/ngày, thời gian thực hiện một mẻ từ 10-12 giờ.

Đại diện hợp tác xã cho biết trong thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 5/8/2023-3/2/2024, đơn vị sản xuất gần 255 tấn chả cá, vượt gần 55 tấn so với kế hoạch. Hợp tác xã sử dụng trên 622 tấn cá rô phi làm nguyên liệu đầu vào. Sau khi trừ chi phí, đơn vị lãi gần 7 tỷ đồng.

Sản phẩm là chả cá viên hoặc chả bánh

Nông dân yên tâm

Ngoài chủ động nguồn nguyên liệu, Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt còn thu mua nguyên liệu của một số đơn vị, cá nhân nuôi cá rô phi ở huyện Gia Lộc. Anh Phạm Đức Thông, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản thôn Kênh Triều (xã Thống Kênh) cho biết đơn vị có 17 ha nuôi cá rô phi kết hợp với một số loại khác, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 500 – 600 tấn cá. Trước đây đã có lúc khâu tiêu thụ cá gặp khó khăn, người nuôi nhiều trong khi thị trường tiêu thụ không tăng. “Khoảng tháng 6, tháng 7/2023, khi thời tiết nắng nóng, người nuôi lo sợ cá bị chết nên thu hoạch sớm dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Nhiều hộ không tiêu thụ được nhưng các thành viên Hợp tác xã Thủy sản thôn Kênh Triều vẫn yên tâm vì đã có Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt thu mua. Năm 2023 chúng tôi cung ứng cho đơn vị này trên 100 tấn rô phi”, anh Thông nói.

Cá rô phi từ 1-1,5 kg sẽ được dùng làm chả, tùy theo đơn đặt của khách hàng

Cùng chung quan điểm với anh Thông, anh Nguyễn Văn Thực ở xã Hồng Hưng thấy cái lợi lớn nhất khi hợp tác với Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt là yên tâm về đầu ra. “Năm 2023, gia đình tôi cung ứng cho đơn vị này 115 tấn cá rô phi. Giá không chênh lệch so với thị trường nhưng yên tâm về đầu ra”, anh Thực chia sẻ.

Những phụ phẩm từ sơ chế cá rô phi cũng được Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt tận dụng làm thức ăn cho chính loại cá này.

Sản phẩm được đóng gói đẹp mắt

Thời gian tới, hợp tác xã phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất lên 20 tấn nguyên liệu/ngày. Như vậy sẽ mở ra hướng mới cho nông dân cũng như tạo sự vững chắc về vùng nguyên liệu cho hợp tác xã.

Thanh Hà

Báo Hải Dương