Thứ Bảy, 20/05/2023, 11:00

Nuôi ba ba trong bể xi măng

Baba (Nguồn: Farmvina Nông nghiệp)

(Aquaculture.vn) Ba ba là loài có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi ba ba trong bể xi măng rất phổ biến và đang được áp dụng rộng rãi bởi dễ nuôi, dễ quản lý và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi ba ba trong bể xi măng
Baba (Nguồn: Farmvina Nông nghiệp)

Ba ba (họ Tryonychidae) là động vật thuộc lớp bò sát, bộ rùa (Testudines), phân bố chủ yếu ở các vùng nước ngọt nhưng một số loài có khả năng sống ở vùng nước lợ. Các loài ba ba thường gặp là ba ba hoa, ba ba gai, lẹp suối và cua đinh. Ba ba sống dưới nước là chính, nhưng có thể sống trên cạn.

Thiết kế bể nuôi

Vị trí xây bể nuôi: Làm bể nuôi ba ba tại nơi yên tĩnh, yêu cầu cấp và tiêu nước thuận tiện, bể nuôi tốt nhất nên có hình chữ nhật.

Diện tích bể nuôi: trên 10m2, nước sâu: 0,6 – 1m. Không nên xây bể quá rộng và quá sâu sẽ khó trong khâu quản lý.

Có cống tràn (miệng cống ngăn bằng lưới sắt) để giữ mức nước cố định ở mức cao nhất, có cống tháo ở đáy thuận lợi để bớt công bơm, tát nước. Quanh bể cũng nên để một khoảng đất trồng cây bóng mát, bắc cầu cho ba ba lên xuống, thềm để ngập nước và thả kín bèo tây.

Trường hợp nuôi nhiều ba ba cỡ khác nhau phải làm nhiều bể, hay ngăn bể phân loại lớn bé để nuôi riêng.

Chọn và thả giống

Chọn giống khỏe mạnh, bơi lội bình thường và ổn định, da không bị xây xát, không mang mầm bệnh và có kích thước đều nhau.

Cỡ giống nuôi không dưới 50g/con, tốt nhất là cỡ trên 100g/con. Giống thả nên đồng cỡ, và thả vào tháng 2 – 3 dương lịch. Cỡ giống 50 – 100g thả 10 – 15 con/m2, cỡ giống 200g thả 4 – 7 con/m2.

Nếu thả ba ba nhỏ từ 70 – 100g thì trung bình 8 – 9 tháng là có thể thu hoạch, tùy thuộc vào điều kiện nuôi ba ba trong bể xi măng và khối lượng ba ba giống ban đầu.

Thức ăn

  • Thức ăn từ động vật sống: Ba ba có thể ăn các động vật như cá, tôm, cua, các loại ốc, hến, trai, các loài côn trùng như, giun đất, giun quế, các phế phẩm từ thịt gia súc, gia cầm,…
  • Thức ăn khô:Các loại thức ăn khô đã qua xử lý, sấy khô như cá, tôm sấy khô để dự trữ cho ba ba ăn vào những thời điểm thiếu thức ăn tươi.
  • Thức ăn từ phụ phẩm:Nguồn thức ăn được sản xuất công nghiệp, các loại cám viên là nguồn thức ăn giúp nuôi vỗ béo ba ba rất tốt. Tuy nhiên, hiện tại nước ta vẫn chưa sản xuất được loại thức ăn công nghiệp dành riêng cho ba ba, chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu có giá thành đắt.

Người nuôi cần rửa sạch thức ăn trước khi cho ba ba ăn đối với thức ăn sống. Cần đảm bảo nguồn thức ăn không bị ôi thiu, mốc, nhiễm bệnh.

Với các loại thức ăn nhỏ như cá nhỏ, tôm, tép nhỏ thì có thể cho ba ba ăn cả con. Còn với loại cá có kích thước to thì cần được thái, băm nhỏ và luộc chín cho ba ba ăn để không làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của ba ba, đặc biệt là đối với ba ba con.

Để nuôi ba ba hiệu quả, cần tập cho chúng có thói quen ăn tại một địa điểm nhất định, nên cho ba ba ăn trên bờ, không nên thả thức ăn xuống nước sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và dễ phát sinh bệnh.

Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 – 32oC, trên 35oC ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12oC ngừng ăn.

Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong ao. Khi thời tiết nắng nóng thì giảm thức ăn xuống còn 2-3% với tổng trọng lượng bể nuôi.

Ở miền Bắc, trước khi vào mùa đông, cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và có độ béo cao như mỡ trâu, mỡ bò… để ba ba tích lũy mỡ dùng trong mùa đông.

Ao nuôi ba ba với độ thưa có thể kếp hợp nuôi cá mè, trôi, trắm, chép… nuôi ốc trong ao làm thức ăn cho ba ba, sẽ không gây hại với ba ba mà còn tăng hiệu quả kinh tế của ao nuôi.

Quản lý và chăm sóc

  • Đặc biệt phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế tháo nước, đánh bắt gây hoảng sợ.
  • Thay nước định kỳ, đảm bảo nước nuôi luôn phải sạch, không để bị thối bẩn
  • Cần chú ý dọn dẹp các thức ăn thừa hàng ngày để tránh nảy sinh mầm bệnh.
  • Nên làm giàn che mưa, nắng cho ba ba
  • Nuôi ba ba trong mùa đông, cần có biện pháp chống rét như dân cao mực nước, thả bèo tây 1/2 diện tích ao.
  • Từ tháng nuôi thứ 10-12 phải tiến hành phân đàn, tách riêng con đực – cái, làm tốt khâu này sẽ hạn chế hao hụt và hiệu quả kinh tế mang lại cao.

Thu hoạch

Sau khi nuôi ba ba đạt đến khối lượng 2kg trở lên thì có thể thu hoạch. Thời điểm thu hoạch ba ba là vào tháng 11-12 và tháng 1 dương lịch, mùa này nhiệt độ thấp, tỷ lệ sống cao

Khi thu hoạch, cần tháo cạn nước ao rồi bắt ba ba bằng tay hoặc dùng vợt để bắt.

Phòng trị bệnh cho ba ba

Nếu nuôi với mật độ dày, đồng thời không làm tốt công tác quản lý, ba ba rất dễ mắc bệnh, bệnh ở ba ba có thể lây lan nhanh dẫn đến chết hàng loạt và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ba ba thường mắc một số bệnh như: bệnh đỏ cổ, bệnh ngộ độc do môi trường nước ô nhiễm, bệnh ký sinh đơn bào, bệnh viêm loét do vi khuẩn…

Phòng:

  • Cần thay nước bể nuôi định kỳ, đảm bảo nguồn nước sạch sẽ cho ba ba. Trước mỗi mùa vụ nuôi, cần dọn dẹp sạch sẽ bể nuôi, rắc một lớp vôi bột xuống đáy bể để khử trùng.
  • Khâu chọn giống cần đảm bảo con giống có chất lượng tốt, không bị dị tật, nhiễm bệnh.
  • Kiểm soát mật độ nuôi trong bể, không để mật độ trong bể nuôi quá dày.
  • Nếu trong bể nuôi có con bị bệnh cần phải bắt lên nuôi riêng biệt và dùng thuốc trị bệnh cho chúng.

Trị:

  • Đối với bệnh viêm loét do vi khuẩn gây ra: có thể dùng kháng sinh Oxytetracyline hoặc Cifrofloxacin trộn với mỡ heo bôi trực tiếp lên các vết loét, để ba ba trên cạn 30-60 phút, cách ngày bôi 1 lần trong một tuần hoặc tắm cho ba ba bằng các loại kháng sinh trên trong liên tiếp 3-5 ngày.
  • Đối với bệnh nấm thủy mi: DùngFormalin tắm cho ba ba nồng độ 100ml/m3 nước trong 1-2 giờ. Hoặc có thể rắc trực tiếp xuống ao nuôi với liều 0.05-0.1g/m3 nước, tắm hoặc rắc thuốc 2 lần/tuần.

Thu Hiền