Thứ Sáu, 16/02/2024, 13:30

‘Nhân sâm’ từ lòng đất

Cùng với chính sách bảo tồn, khai thác hiệu quả, đến nay loài sá sùng (người dân địa phương thường gọi địa long, địa sâm) đã trở thành loài thủy sản đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đầm phá.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Sau một thời gian đưa vào danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển đến nay, loài thủy sản có tên sá sùng đang từng ngày mang lại thu nhập cao cho người dân vùng đầm phá, ven biển.

Từ lâu, trong “ý niệm” người dân vùng ven biển bãi ngang Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), loài “địa long” (rồng đất) – được xem như một thứ “nhân sâm” của đầm phá. Họ khai thác và bảo vệ cũng như các loại tôm, cá trên vùng Tam Giang, đã góp phần tạo sinh kế cho bao thế hệ người dân nơi đây.

Từ việc được bảo vệ, đến nay loài địa long này đã sinh sôi trên các bãi bồi hạ triều, trong vuông tôm, cá của người dân sau khi thu hoạch, với mỗi 1kg sau khi sơ chế, phơi khô có giá lên đến gần 2 triệu đồng.

Gặp anh Lê Nhất Mộng, một ngư dân vùng đầm phá Phú Thuận, đã theo nghề “săn” địa long suốt mấy năm nay, cũng là lúc những bãi triều ngập nước do mưa lũ anh mới rảnh tay ngồi trò chuyện. Vốn con nhà ngư dân nhưng không leo lên thuyền theo đuôi con cá mà anh chọn nghề bắt loài thủy sinh này sơ chế để bán cho các thương lái, những nhà hàng trên địa bàn.

Sá sùng được phơi khô

Anh Mộng cho biết, trước đây, người làm nghề đánh bắt địa long rất nhiều, từ lúc địa phương có chủ trương cấm khai thác, nghề mai một dần. Những năm gần đây, sau thời gian bảo vệ, loài thủy sản này lại sinh sôi trên các bãi triều, vuông tôm, cá nên đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

Cũng theo anh Mộng, mùa “săn” địa long một năm chỉ tiến hành từ tháng 3 đến tháng 9, khi mực nước triều hạ, lộ ra những vùng cát bãi bồi ven đầm phá, cửa biển. Mỗi kg địa long thương lái thu mua tại chỗ giá 150 ngàn đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg là bình thường.

Dụng cụ bắt chủ yếu là cây thuổng (tự chế) bằng sắt. Người bắt chỉ nhìn lỗ trên vũng bùn, đoán hang của loài địa long sau đó tiến hành đào. Công đoạn đào diễn ra rất nhanh, nếu đào chậm loài thủy sản này sẽ luồn mất.

Buổi trưa, triều hạ (nước rặt), vùng nuôi tôm, cá ở khu vực Cồn Sơn, Phú Thuận hiện ra những bãi bồi rộng mênh mông. Không chỉ là những bãi bồi, ở vùng Côn Sơn còn có những ô tôm, cá, cua nuôi xen ghép. Sau khi thu hoạch xong, những “thợ” săn chuyên nghiệp sẽ “đấu giá” ao nuôi để bắt loài địa long này. Cứ mỗi kg chủ hồ sẽ được trả từ 50 – 60 nghìn đồng, còn lại sản lượng do người săn bắt tự tính lấy.

“Mỗi hồ nuôi tôm, cá bình quân thu được vài triệu, có khi thu được cả trăm triệu loài địa long. Có hồ sau khi thu hoạch cá, tôm bước xuống “nhám” cả chân, loài địa long lúc nhúc. Chúng sinh trưởng bằng việc ăn thức ăn dư thừa trong vuông tôm, góp phần bảo vệ môi trường. Sau khi thu hoạch xong tôm, cá, bắt địa long, chủ hồ mới vào vôi, hóa chất để xử lý hồ nuôi chuẩn bị nuôi vụ mới”, anh Mộng kể.

Mỗi ngày tại các bãi triều, vùng Cồn Sơn, anh Mộng kiếm được chừng 8 – 10kg địa long. Có thể bán tươi cho các thương lái hoặc sơ chế phơi khô đóng bao bán cho các nhà hàng trong tỉnh. Sản lượng lớn anh đã mở một “cơ sở” sơ chế tại nhà.

“Loài địa long được ví như nhân sâm của đất với nhiều tác dụng trị bệnh, dinh dưỡng… Là “loài rồng” của đất cho mình sinh kế khi khai thác nhưng mình cũng phải biết bảo vệ, phát triển, không khai thác vào mùa sinh sản mới làm nghề bền vũng được”, anh Mộng bộc bạch.

“Cởi trói” cho loài địa long

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trước đây một vấn đề gây khó khăn và chưa hợp lý cho công tác quản lý nguồn lợi thủy sản trên địa bàn là Thông tư 01/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 5/1/2011 về việc sửa đổi, bổ sung danh mục các loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển, sá sùng thuộc danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn.

Trên tinh thần đó, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định mức phạt từ 5 – 40 triệu đồng với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế từ dưới 10kg đến 30kg các loài trong danh mục kể trên, trong đó có sá sùng. Từ đó, các địa phương cũng đã cấm khai thác, mua bán loài thủy sinh này trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, từ thông tư của Bộ NN&PTNT năm 2011, đưa sá sùng vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, cần được bảo vệ, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân, cấm khai thác, mua bán loài thủy sinh trên địa bàn. Rà soát, quy hoạch vùng bảo tồn nhằm bảo đảm sự phát triển đa dạng các nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Tuyệt đối không được khai thác khi sá sùng vào mùa sinh sản và tổ chức giám sát cộng đồng, phát hiện, tố giác những hành động khai thác thủy sản bằng công cụ tận diệt…

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay loài sá sùng nằm trong danh mục loại thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và không nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nên người dân có thể khai thác như những loài thủy sản khác. Hiện nay, trên địa bàn xã có vài hộ dân theo nghề khai thác, sơ chế sá sùng và mặt hàng thủy sản này đang mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân.

Ông Lê Nguyễn An, cán bộ Môi trường – Nông nghiệp xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết, địa bàn xã Quảng Công có 150ha nuôi trồng thủy sản cao triều, thấp triều và vùng đã chuyển đổi diện tích lúa sang nuôi trồng thủy sản, nên việc phân bố các loài sá sùng trên các bãi bồi ven đầm phá khá nhiều.

Từ nhiều năm trước, sau khi có một số hộ dân ngoài tỉnh đến khai thác, thu mua và sơ chế sá sùng, xã đã tiến hành cấm khai thác để bảo vệ tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Người dân cũng nâng cao ý thức, không tiến hành khai thác ồ ạt và sử dụng phương thức khai thác tận diệt đối với loài sá sùng.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, theo nắm bắt thực tế tại các địa phương, loài sá sùng có phân bố rải rác trên các vùng ven biển thuộc địa bàn tỉnh.

Từ năm 2019, theo quy định mới, sá sùng là loài nằm trong danh mục loại thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (mục V, dòng 16, phụ lục VIII) ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; không nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm tại phụ lục II, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ.

Vì vậy, hoạt động khai thác đối tượng này không cần có đơn đề nghị cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm theo Điều 9 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Thực tế người dân khai thác tại các khu vực ven biển chủ yếu theo hình thức đào, thu lượm, không thuộc các hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 7 của Luật Thủy sản, không nằm trong danh mục các nghề cấm của phụ lục II, Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT và không phải đối tượng phải đăng ký để được cấp Giấy phép khai thác thủy sản. Đến nay, ngành nông nghiệp chưa có chính sách, dự án, đề án nào cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế loài sá sùng. Tuy nhiên, đã lồng ghép trong nhiệm vụ quản lý khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Sá sùng là một loại thực phẩm độc đáo và được mệnh danh là đặc sản tiến vua thời xa xưa. Sá sùng có tên gọi khác là sa trùng là một loài hải sản họ Sipuncula (họ sá sùng), có tên tiếng Anh là peanut worms và danh pháp khoa học là Sipunculus nudus. Hình dạng của sá sùng giống với một loài giun khổng lồ nhiều màu sắc, thường dài khoảng 5 – 10cm khi còn tươi hoặc thậm chí có con lên đến 15 – 40cm. Ngoài yếu tố dinh dưỡng, theo nhiều nghiên cứu y học hiện đại, sá sùng có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về hô hấp, xương khớp.

Hà Nguyên

Báo Thừa Thiên Huế