Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nông dân bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tại các huyện phía Nam của tỉnh Long An, người nuôi tôm đã vệ sinh ao, đầm, chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất tăng nên nhiều hộ vẫn đang cân nhắc, chưa vội thả giống.
Chi phí sản xuất tăng
Gắn bó với con tôm gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Rỡ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) là một trong những người có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm. Để chuẩn bị tốt cho vụ mới, từ đầu tháng 10, ông tập trung gia cố đê bao, nạo vét, rải vôi diệt khuẩn và phơi khô đáy toàn bộ 2ha ao nuôi. Ông cho biết, đến thời điểm này, việc cải tạo ao nuôi cơ bản hoàn thành, đang tập trung lấy nước và xử lý các yếu tố môi trường theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Dự kiến sẽ thả giống trong vài ngày tới.
Ông Rỡ chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết người nuôi tôm vụ vừa rồi đều thua lỗ. Cùng với đó, giá tôm giống và thức ăn đang ở mức cao nên nhiều người dân vẫn đang thận trọng, chưa thả nuôi vụ mới”. Cùng tâm trạng đó, nhiều hộ dân ở xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc cũng đang rất thận trọng thả nuôi vụ tôm mới.
Ông Lâm Văn Việt (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) bộc bạch: “Vụ rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thua lỗ, người nào nuôi đạt năng suất cao cũng chỉ hòa vốn. Hiện nay, giá tôm giống, thức ăn cho tôm đang tăng, trung bình mỗi bao thức ăn tăng gần 40.000 đồng. Theo ước tính, chi phí sản xuất vụ này tăng khoảng 10-15% so với vụ trước. Do đó, nhiều nông dân chỉ thả nuôi cầm chừng”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây – Phan Phương Lâm thông tin: Hiện nay, xã có khoảng 75ha tôm, diện tích này không tăng so với trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Theo ghi nhận, nhiều hộ vẫn chưa thả nuôi vụ mới do giá thức ăn và tôm giống tăng.
Ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cũng phân vân: “Vụ vừa rồi, gia đình tôi nuôi 2 ao, thu về gần 10 tấn tôm nhưng chỉ bán được với giá 20.000 – 40.000 đồng/kg. Gia đình tôi đã vệ sinh các ao đầm nhưng chưa vội thả nuôi vụ mới, chờ tình hình dịch bệnh ổn định mới tính tiếp”.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước – Nguyễn Hồng Chương cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi tôm tuân thủ những quy định về lịch thời vụ thả nuôi, phòng, chống dịch bệnh,… Bên cạnh đó, Phòng phối hợp các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chất lượng con giống, các sản phẩm vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản đầu vào; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các vùng nuôi trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh là 5.490ha, trong đó, tôm sú 430ha; tôm thẻ chân trắng 5.060ha. Tổng diện tích đã thu hoạch 4.880,8ha; năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha với tổng sản lượng 14.463,8 tấn.
Ngoài ra, tổng diện tích thiệt hại trên tôm là 349,7ha, trong đó thiệt hại thu hoạch sớm 291,8ha và mất trắng 57,9ha. Theo nhận định của ngành chức năng, thời tiết bất thường ảnh hưởng đến môi trường, tôm dễ bị sốc, dịch bệnh có cơ hội phát triển và gây thiệt hại cho người nuôi. Việc người dân theo dõi chặt chẽ kết quả quan trắc môi trường, thông tin cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ ngành chức năng và tăng cường kiểm tra ao nuôi là rất cần thiết.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Nguyễn Thanh Toàn cho biết, với điều kiện thời tiết như hiện nay, ngành thủy sản khuyến cáo người dân tăng cường quản lý các yếu tố môi trường, mực nước ao nuôi từ 1,2 – 1,5m; giữ độ pH nằm trong khoảng 7,5 – 8,5; độ kiềm từ 80mg/l trở lên đối với tôm sú và 100mg/l trở lên đối với tôm thẻ. Đồng thời, tăng cường chạy quạt để phân tầng nước, giữ hàm lượng oxy hòa tan trong nước luôn từ 5mg/l trở lên; quản lý các khí độc đặc biệt thường xảy ra trong ao tôm. Bên cạnh đó, những ngày nắng nóng nhiệt độ nước ao trên 30oC hoặc trời mưa dầm nhiệt độ dưới 25oC thì nên giảm 30 – 50% lượng thức ăn/cữ và tăng cường sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.
Bùi Tùng
Báo Long An