(Aquaculture.vn) – Chi phí thức ăn, biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự xuất hiện bệnh mới là những mối quan tâm lớn đối với phân khúc tôm giống trong năm 2023, ảnh hưởng đến cả trại giống, trại ươm và trang trại nuôi.
Tập trung vào hiệu quả
Bất chấp tình trạng dư cung ấu trùng tôm (PL), các trại giống chất lượng cao vẫn duy trì và mở rộng thị phần của mình trong năm 2023. Theo ông Craig L. Browdy, Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Zeigler cho biết, bằng cách ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả thông qua sử dụng thức ăn chất lượng cao, cùng với tỷ lệ cho ăn được quản lý chặt chẽ đã nâng cao tỷ lệ sống cho tôm giống.
Trong năm 2023, nhu cầu về dinh dưỡng có giá trị cao, sử dụng men vi sinh hiệu quả trong trại giống và con giống chất lượng cao trong sản xuất giống đã tăng lên đáng kể. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết của người nuôi về con giống chất lượng, góp phần vào sự thành công của vụ nuôi. Công ty tôm bố mẹ SyAqua cho biết: “Việc nhấn mạnh vào hệ thống xử lý nước hiệu quả trong cả trại giống và trang trại cũng được tăng cường do nguy cơ các tác nhân gây bệnh mới lây lan giữa môi trường và hệ thống nuôi, điển hình là bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)”.
Ngoài ra, hai thách thức chính mà các trại sản xuất giống tôm phải đối mặt là chi phí và dịch bệnh. “Chi phí nhiên liệu và thức ăn cao, đồng thời với lợi nhuận thấp của người nuôi do giá tôm thấp, đã khiến giảm tỷ suất lợi nhuận và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trại sản xuất giống. Sản xuất trong môi trường bị ảnh hưởng nặng nề và nhiệt độ tăng cao đã làm tăng tần suất bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại cho các trại giống và người nuôi”, ông Marcos De Donato, nhà khoa học nhân giống tại Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản (CAT) nhấn mạnh. Cả hai vấn đề đều đang được giải quyết bằng cách lựa chọn các đặc điểm sinh sản để giảm chi phí sản xuất ấu trùng và khả năng sống sót ở giai đoạn đầu (khả năng kháng bệnh hoặc khỏe mạnh).
Xuất hiện dịch bệnh mới
Mối quan tâm lớn đối với phân khúc tôm giống vào năm 2023 là sự xuất hiện bệnh do vi khuẩn Vibrio có độc lực cao ảnh hưởng đến cả các trại giống và tôm giống mới thả trong các trại ươm và trang trại.
Mặc dù đã biết những hệ lụy trong việc sử dụng kháng sinh, nhưng vẫn còn nhiều trại giống sử dụng kháng sinh để kiểm soát mầm bệnh. Việc thay nước và sử dụng kháng sinh có thể làm giảm mật độ Vibrio trong một thời gian, nhưng sẽ dẫn đến hệ lụy khó kiểm soát dịch bệnh sau này, do vi khuẩn đã kháng thuốc. Các trại giống được quản lý tốt nhất tập trung vào vấn đề vệ sinh và sử dụng thức ăn tươi sống chất lượng cao được nuôi cấy cẩn thận, được sàng lọc để đảm bảo mật độ Vibrio thấp, nhằm kiểm soát sự xâm nhập của mầm bệnh. Những nỗ lực này được kết hợp với việc sử dụng men vi sinh hiệu quả và quản lý thức ăn để đảm bảo chất lượng nước tốt và cộng đồng vi sinh vật đa dạng, ổn định. Ông Browdy cũng cho biết, các công nghệ mới kết hợp chế phẩm sinh học hiệu quả vào thức ăn thay thế Artemia vi nang đã được chứng minh là cải thiện tỷ lệ sống cho ấu trùng tôm.
Các giải pháp an toàn sinh học tiên tiến là một giải pháp thay thế tốt trong năm 2023, những giải pháp này rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, năng suất và tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. “Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải chống lại các mối đe dọa như nhiễm vi khuẩn Vibrio. Các trại giống hiện ưu tiên các biện pháp an toàn sinh học trong tất cả các giai đoạn sản xuất, từ giai đoạn bố mẹ đến giai đoạn thương phẩm. Các sản phẩm chính bao gồm tôm không chứa mầm bệnh cụ thể (SPF) và tôm kháng mầm bệnh cụ thể (SPR), giải pháp thức ăn cải tiến, hệ thống xử lý nước bằng ozone và tia cực tím, hệ thống siêu lọc, bộ lọc không khí HEPA và men vi sinh để cân bằng vi khuẩn, tập trung vào kiểm soát mầm bệnh, duy trì chất lượng nước và xử lý sinh học”, ông Andrew Shinn, chuyên gia kỹ thuật toàn cầu tại INVE Aquaculture cho hay.
Đối với những người sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ, xu hướng là tìm nguồn thức ăn từ các nhà cung cấp đáng tin cậy. “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu cao về Polychaetes SPF để nuôi tôm bố mẹ (L. vannamei và P. monodon), đặc biệt là ở Ấn Độ. Hầu hết tôm bố mẹ được sử dụng trong nước đều có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và được chứng nhận SPF. Các chủ trại giống và kỹ thuật viên thừa nhận rằng, một trong những nguồn lây nhiễm đầu tiên (đặc biệt EHP và gần đây hơn là bệnh mờ đục hậu ấu trùng) đến từ thức ăn sống (các loại giun nhiều tơ đánh bắt tự nhiên và nuôi tại địa phương),” ông Renault đồng sáng lập SPF Shrimp Feeds cho biết.
Còn theo ông Sellars, Giám đốc điều hành Genics, nhiều trại giống lạm dụng kiểm tra tôm post trước khi thả vào hệ thống nuôi thương phẩm bằng các bộ dụng cụ và phương pháp không phù hợp với mục đích. Điều đó có nghĩa là một bộ dụng cụ hoặc phương pháp có thể được thiết kế để phát hiện mầm bệnh ở động vật bị bệnh lâm sàng, trong đó lượng lây nhiễm và mẫu để phát hiện dương tính là từ trung bình đến cao. Tuy nhiên, do tiếp thị sai lệch, các bộ dụng cụ này cũng đang được sử dụng để phát hiện mầm bệnh sớm trước khi có dấu hiệu lâm sàng của bệnh (ví dụ: xét nghiệm độ thanh thải PL) nhưng chúng không phù hợp cho mục đích này và không thể phát hiện mức độ mầm bệnh rất thấp trong PL. Kết quả cuối cùng là dữ liệu xét nghiệm PL âm tính giả có khả năng gây hiểu nhầm và người nuôi có thể gặp rủi ro khi thả những con giống đã mang mầm bệnh.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến trại giống
Biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao có thể ảnh hưởng đến các trang trại nuôi tôm, đặc biệt là ở một số khu vực như Ấn Độ. Theo báo cáo từ SyAqua, một số trại giống ở Ấn Độ bị ảnh hưởng trong mùa hè do nhiệt độ cao hơn bình thường, điều này dẫn đến những thách thức như giảm giao phối, giảm tỷ lệ đẻ và có thể làm giảm chất lượng ấu trùng.
Trong quá trình sản xuất hậu ấu trùng (PL), nhiệt độ tăng cao gây khó khăn trong quản lý, thúc đẩy hoạt động của ấu trùng và dẫn đến tăng tiêu thụ và bài tiết thức ăn. Chất hữu cơ được tạo ra từ các hoạt động này đã tạo điều kiện cho Vibrio nhân lên nhanh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và khả năng sống sót của tôm giống. Các trại giống có trang thiết bị kiểm soát nhiệt độ được trang bị tốt hơn để giải quyết những thách thức này.
Ngược lại, ở cấp độ trang trại thường ít bị tác động hơn do lượng nước trong ao cao giúp ổn định nhiệt độ. Bất chấp những thách thức này, mùa nóng vẫn tiếp tục thuận lợi cho nuôi tôm thẻ chân trắng. Điều đáng chú ý là tác động gián tiếp của nhiệt độ cao là độ mặn tăng cao đồng thời, có thể dẫn đến chậm phát triển và mất cân bằng chất lượng nước. Những tác động này cần thiết phải có chiến lược quản lý toàn diện để giải quyết sự tương tác phức tạp của các yếu tố môi trường trong nuôi tôm.
Triển vọng năm 2024
Sự thay đổi về cung và cầu luôn mang tính chu kỳ. Dự báo năm 2024, sẽ có sự co giãn về mức độ sản xuất, tỷ lệ tiêu thụ và sự thay đổi liên quan đến giá cả. Những nhà sản xuất hiệu quả nhất sẽ duy trì được lợi nhuận tốt nhất ở bất kỳ thị trường nào.
“Các trang trại được quản lý tốt nhất sẽ tiếp tục giảm chi phí thông qua việc kiểm soát đầu vào tốt hơn. Các nhà sản xuất hiệu quả nhất sẽ tiếp tục giảm FCR thông qua quản lý quần thể tốt hơn, cùng với việc sử dụng máy cho ăn tự động và thức ăn chất lượng cao. Cho ăn hiệu quả là chìa khóa để quản lý môi trường sản xuất, kiểm soát chi phí và cải thiện tính bền vững cả về môi trường và tài chính”, Browdy nhận định.
Còn theo SyAqua, trong mỗi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa một cơ hội. Mặc dù năm 2024 có thể tiếp tục đặt ra những thách thức cho tất cả các bên liên quan trong ngành tôm, nhưng đây là dịp để người nuôi đánh giá lại chiến lược thả giống và lựa chọn giống. SyAqua dự đoán sự thay đổi trong tư duy của những người nông dân, những người trước đây ưu tiên lợi nhuận thay vì quản lý chi phí do giá tôm cao, giờ đây sẽ chú ý hơn tới việc quản lý chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh. Sự thay đổi mô hình tiềm năng hướng tới một chiến lược nuôi tôm khoa học hơn. Thay vì chỉ tập trung vào các số liệu như tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG), có thể sẽ có sự chú trọng nhiều hơn vào độ tin cậy và tính nhất quán của lợi nhuận. SyAqua cũng tin rằng, việc tăng tỷ lệ sống và giảm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) sẽ là những yếu tố chính giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, mang lại cơ hội để phát triển ngành tôm bền vững.
Hảo Mai (Theo Hatcheryfm)