(Aquaculture.vn) – Muối là một sản phẩm an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng và mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi thủy sản nước ngọt.
Có rất nhiều cách để sử dụng muối một cách hiệu quả trong các trang trại nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Thời gian và liều lượng là những vấn đề chính trong xử lý muối, cũng như đối với bất kỳ hóa chất nào khác. Người nuôi cá cần biết thêm về việc sử dụng muối đúng cách và những lợi ích mà muối mang lại:
Kiểm soát ngoại ký sinh trùng
Nguyên sinh động vật, sán lá đơn chủ, tảo đơn bào hai roi …có thể được kiểm soát bằng cách tắm muối nhanh. Nhiễm trùng và viêm ở mang và da cá dẫn đến cá bị mất muối và mất nước. Do đó, tắm cá trong nước muối không chỉ làm chết ký sinh trùng mà còn cho phép cá nhanh chóng phục hồi các ion natri và chloride trong máu. Sau một thời gian ngắn tắm ở nước muối nồng độ cao, cá nên được giữ thêm ít nhất một ngày trong nước muối ở nồng độ 5-6 ppt trước khi chuyển đến các đơn vị sản xuất hoặc trang trại khác.
Trước khi sử dụng người nuôi cần nắm được phản ứng và mức độ chịu đựng của mỗi loài cá để xác định liều lượng và thời gian phù hợp cho việc tắm cá
Có thể tắm muối cho cá ở nồng độ 20-30g/L trong vòng 10-30 phút (hoặc cho đến khi cá bắt đầu mất thăng bằng). Nếu cá bị nhiễm nặng, có thể xử lý lặp lại trong vòng 1-2 ngày. Thông thường đối với những ký sinh trùng khó trị, nên tắm từ 3-4 lần mới có tác dụng.
Ngăn ngừa hoặc điều trị trứng cá nhiễm trùng
Việc kiểm soát nhiễm nấm trên trứng cá có thể được thực hiện bằng cách tắm muối ở nồng độ 20-30ppt trong 10-15 phút mỗi ngày hoặc cách ngày. Trong các hệ thống tuần hoàn để ấp trứng cá rô phi hoặc các loài cá nước ngọt khác, việc duy trì nồng độ muối khoảng 3-5 ppt sẽ giảm thiểu sự lây nhiễm nấm trên trứng và cá con mới nở.
Ngăn ngừa bệnh về mang do môi trường
Bệnh ở mang là tình trạng tổn thương, viêm và kích ứng biểu mô mang có thể do hóa chất gây kích ứng (formalin, thuốc tím và các chất khác),
chất rắn lơ lửng quá mức (đất sét, phân cá, biofloc, thức ăn thừa, sinh vật phù du…) hoặc kết hợp những yếu tố trên.
Ký sinh trùng (sán lá đơn chủ, thích bào tử trùng, trùng bánh xe…) và nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra các bệnh về mang.
Các bệnh về mang khiến cá khó thở, khó khăn trong điều hòa áp suất thẩm thấu và bài tiết amoniac.
Tắm muối ở nồng độ 8-10 pt trong 2-4 giờ sẽ làm tăng sản xuất chất nhầy và loại bỏ các địch hại bám ở mang, giúp giảm viêm, nhiễm trùng mang, cải thiện tỷ lệ sống của cá.
Ngăn ngừa độc tố nitrite
Nitrite (NO2 -) gây độc cho cá. Amoniac do cá tạo ra và phân hủy chất hữu cơ trải qua quá trình nitrat hóa vi sinh vật để tạo ra nitrite. Mức nitrite trên 0,3 mg/L cần được chú ý, vì hiệu suất và khả năng miễn dịch của cá có thể bắt đầu bị suy giảm. Nồng độ nitrite độc hại thường trên 0,7 mg/L, tùy thuộc vào loài và thành phần hóa học của nước, phổ biến ở các ao nuôi thâm canh, ao nước tĩnh. Làm tăng nồng độ chloride trong nước thông qua việc sử dụng muối là một cách hiệu quả để ngăn ngừa độc tính của nitrite. Trong ao nuôi, người nuôi cần duy trì tỷ lệ chloride:nitrite tối thiểu là 6:1.
Boyd (1998) đã đề xuất một phương trình đơn giản để xác định lượng muối (tính bằng g/m3) nên được áp dụng cho ao, theo mức nitrite mong muốn và nồng độ chloride thực tế trong nước ao.
Liều lượng muối (g/m 3) = [6x (NO2- mg/L) – (Cl- trong nước mg/L)] / 0,6
Trong hệ thống biofloc hoặc hệ thốngthâm canh tuần hoàn, hàm lượng nitrite thường có thể cao hơn 20 mg/L. Nồng độ muối 3 ppt giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm và ngoại ký sinh trùng, đồng thời ngăn ngừa độc tính nitrite.
Cải thiện tỷ lệ sống trong nuôi cá lồng
Tỷ lệ chết cao nhất thường xảy ra trong tuần đầu tiên khi cá giống được chuyển đến lồng, và ở các giai đoạn khi cá được phân loại và chuyển sang lồng khác. Quá trình vận chuyển gây stress làm cá mất một lượng lớn muối và làm giảm phản ứng miễn dịch của cá. Đồng thời quá trình vận chuyển cũng có thể làm cá mất chất nhờn, vảy và làm trầy xước da, tạo điều kiện cho nấm và các vi khuẩn cơ hội lây nhiễm.
Tỷ lệ chết của cá có thể được giảm thiểu đáng kể bằng việc sử dụng muối đúng cách. Khi đến trang trại, cá giống có thể được xử lý ký sinh
trùng và giữ trong 4-5 ngày trong bể chứa nước muối ở mức 5-6 ppt, Phân loại cá giống và thả lại vào các lồng khác nên được thực hiện trong bể có nước pha muối ở mức 5-6 ppt
Cho cá ăn thức ăn viên có bổ sung muối (15g muối/kg thức ăn viên) trong 2-3 ngày sau khi xử lý và vận chuyển cá là một cách hiệu quả khác để cá nhanh chóng khôi phục lại nồng độ muối bình thường trong máu.
Cân bằng muối trong thức ăn cải thiện tình trạng và hiệu quả tăng trưởng của cá
Cá nước ngọt thường dành 10-15% năng lượng từ thức ăn cho quá trình thẩm thấu. Cá nuôi nhốt trong lồng thậm chí có thể tiêu tốn nhiều hơn, vì mật độ thả nuôi cao và sự cạnh tranh mạnh mẽ làm tăng thêm sự mất muối ở cá
Thức ăn cân bằng muối có thể giúp cá tiết kiệm năng lượng từ quá trình điều hòa thẩm thấu và sử dụng năng lượng đó để tăng trưởng và bảo vệ miễn dịch.
Lưu ý: Một vấn đề khi sử dụng muối trong nuôi trồng thủy sản là sự ăn mòn thiết bị kim loại và cơ sở hạ tầng.
Thu Hiền (Lược dịch)