Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đang được huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) phát triển, nhân rộng diện tích. Đây là mô hình ít phụ thuộc các yếu tố bên ngoài nên tỷ lệ thành công cao.
Huyện Đông Hải hiện có 907,2ha với 326 hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh; chủ yếu tập trung ở các xã: Long Điền Đông với 327,7ha, Điền Hải 206,7ha, Long Điền 91,6ha, Long Điền Đông A 45,05ha, Long Điền Tây 172,6ha và thị trấn Gành Hào 63,5ha. Diện tích nuôi tôm theo mô hình này tăng hơn 479ha/110 hộ so với năm 2020.
Mô hình được thiết kế ao nuôi là ao đất trải bạt, diện tích từ 700 – 1.000m2/ao hoặc hồ tròn nổi khung sắt diện tích 700m2/hộ; mật độ ương tôm từ 2.000 – 6.000 con/m2, sau 20 – 25 ngày chuyển tôm xuống ao nuôi và san thưa ra nhiều giai đoạn; mật độ nuôi là 250 con/m2; thời gian nuôi từ 90 – 120 ngày; tỷ lệ thành công cao trên 90%; năng suất từ 15 – 18 tấn/ha (1ha bao gồm các công trình phụ trợ); cỡ thu hoạch khoảng 30 – 40 con/kg; lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Điển hình trong thực hiện mô hình này đạt hiệu quả là HTX Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải; HTX Nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt; HTX Nuôi tôm công nghệ cao Mỹ Điền; các hộ ông Tạ Hoàng Nhiệm, Nguyễn Văn Sự (xã Long Điền Đông); ông Lê Văn Yến, Cao Văn An, Lê Văn Vui (xã Điền Hải)…
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, đây là mô hình nuôi tiên tiến được đầu tư rất bài bản, khâu quản lý rất nghiêm ngặt. Khu nuôi được thiết kế có cả hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và ôxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới bao quanh và ở phía trên; hạ thế trạm biến áp để đảm bảo đủ điện phục vụ trong suốt quá trình nuôi. Tôm thẻ được nuôi ở mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, sản lượng lớn; mô hình nuôi khép kín, người nuôi chủ động, ít phụ thuộc các yếu tố bên ngoài nên tỷ lệ thành công cao.
M. Châu
Báo Bạc Liêu