Thứ Năm, 2/02/2023, 18:24

Lão nông thuê đất nuôi cá, lãi nửa tỷ đồng mỗi năm

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy xay thức ăn kết hợp phương pháp nấu chín thức ăn cho cá dẫn đến năng suất thu hoạch tăng hơn 30% so với bình thường. 

Đó là trường hợp lão nông Liêu Minh Đệ (SN 1961, ngụ số 347/7C ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) với việc nuôi cá tra, cá giò ghém, cá trê vàng lai mỗi năm lời nửa tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí.

Lão nông Liêu Minh Đệ cho cá ăn.

Ông Đệ kể: “Khoảng 20 năm trước, nơi tôi nuôi cá hiện nay chỉ toàn vũng với ao. Lúc đó nhà tôi ở quận 8, nghe nhiều người nói muốn có cuộc sống khá hơn thì nuôi thủy sản. Do đó, tôi về xã Phước Lộc thuê mặt nước, thuê máy hút bùn làm sạch ao, vũng rồi cất chòi ở tạm và bắt đầu làm kinh tế. Lúc đầu tôi nuôi tôm trên diện tích khoảng 4.000m2, thả 40.000-50.000 con giống, do sợ tôm chết nên tôi chỉ dám thả thưa, khi thu hoạch chỉ được khoảng 400-600kg tôm, thời đó chỉ bán được 70.000 đồng/kg tôm thành phẩm. Năng suất không hiệu quả mà giá cũng thấp nhưng phải vét ao, vét đáy rất cực, nên năm 2010 tôi chuyển sang nuôi cá tra, cá chim, cá giồ lém”.

Lão nông Liêu Minh Đệ cho biết cho cá ăn phải đúng giờ, đúng khẩu phần thì cá mới nhanh lớn.

Thời điểm bắt đầu nuôi cá thịt, vì thiếu nguồn thức ăn là đầu cá tại các chợ, ông Đệ cũng chỉ dám thả con giống theo mật độ thưa nên sản lượng không được nhiều. Sau đó ông thuê thêm 10.000m2 mặt ao, lúc này tổng diện tích khoảng 15.000m2 mặt nước nhưng cũng chỉ đạt 15-20 tấn cá/năm. Vì vậy, ông Đệ tìm về một số vùng nuôi cá ở miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm, dần dần sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 15-20 tấn cá, rồi tăng lên 30 tấn cá/năm.

Để tăng sản lượng cá hàng năm, ông Đệ sử dụng máy xay thức ăn cho cá kết hợp phương pháp nấu chín. Theo ông Đệ, dùng phương pháp xay thức ăn là phế phẩm từ cá rồi trộn với cám thì cá lớn hay cá nhỏ đều ăn được, cùng lớn đều, nước ao không bị ô nhiễm. Còn nếu không xay, chỉ có cá lớn ăn. Đối với cá nhỏ, loại thức ăn xay sẽ làm cho đường ruột của cá quen dần, không bị bệnh và khi lớn sẽ phát triển ổn định.

Phương pháp xay phế phẩm cá đã nấu chín, rồi trộn với cám làm sản lượng tăng khoảng 30% so với các nuôi bình thường.

“Nếu chỉ cho ăn cám, 1 bao loại 25kg giá 590.000 đồng (loại có thương hiệu), còn mua đầu cá và phế phẩm từ cá tại các chợ đem về nấu chín, xay ra trộn cám bình thường khi thả xuống nước, cá con theo ăn và lớn nhanh hơn. Vì phế phẩm từ cá có tới 100% độ đạm, trong khi thức ăn từ cám chỉ có 18 độ đạm, một số loại cám có thương hiệu cũng chỉ từ 30 – 40 độ đạm. Với phương pháp nấu chín phế phẩm cá, xay rồi trộn với cám, khi cá lớn bằng ngón chân cái, lúc này không cần phải nấu mà năng suất thu hoạch cá vẫn tăng lên 30%”, ông Liêu Minh Đệ chia sẻ.

Cũng theo ông Liêu Minh Đệ, khi nấu phế phẩm từ cá, nước chảy ra, trộn với cám thấm vào nước cá, thức ăn tăng lên tới 50-60 độ đạm, đây là phương pháp tăng độ đạm của cám. Đồng thời, thả bao nhiêu thức ăn xuống ao hầu như cá lớn, cá bé đều ăn sạch. Từ việc thu hoạch chỉ 15-20 tấn cá thương phẩm/năm, khi áp dụng phương pháp xay phế phẩm cá đã nấu chín trộn với cám, ông Đệ trả bớt diện tích mặt nước đã thuê, chỉ nuôi trong 2 ao với tổng diện tích khoảng 7.000m2, nhưng sản lượng lên tới 30 tấn cá/năm. Mặc dù áp dụng phương pháp mới vào chăn nuôi, nhưng giá cả thị trường không phải lúc nào cũng như mong muốn của người nông dân, do đó ông Đệ bỏ cá tra, cá chim và chuyển dần sang nuôi cá trê vàng lai.

Nhờ áp dụng phương pháp xay thức ăn trộn với cám, sản lượng 2 ao với diện tích 7.000m2 của lão nông Liêu Minh Đệ cho thu hoạch khoảng 30 tấn cá/năm.

Đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào tháng 4/2021, đến đầu năm 2022 cá giống hiếm nên ông Đệ chuyển hẳn sang nuôi cá trê vàng lai. Ông Đệ cho biết, cá tra nuôi hơn 6 tháng chỉ lớn bằng nửa bàn tay, trong khi thương lái chỉ mua loại từ 9 lạng đến 1kg/con, mà trọng lượng này phải nuôi hơn 1 năm rưỡi, nhưng giá cũng chỉ được 18.000 đồng/kg, kéo dài chu kỳ nuôi như vậy sẽ không hiệu quả. Còn nuôi cá trê vàng lai chỉ từ mất từ 3-3,5 tháng, trọng lượng mỗi con đã từ 2 lạng trở lên, thương lái đến tận ao để mua.

“Khi cá trê vàng lai có trọng lượng 2 lạng, bán đi rất phí vì chỉ cần nuôi thêm 2 tháng, cá có thể tăng lên 7-8 lạng/con, giá lúc này thấp nhất 19.000 đồng/kg, vì thị trường rất ưa chuộng. Cá trê vàng lai còn có một ưu điểm, khi lớn nó không ăn cá con như cá trê phi” – ông Liêu Minh Đệ nói.

Cá trê vàng lai nuôi từ 3 – 3,5 tháng đã có thể xuất ao bán cho thương lái.

Với mô hình nuôi cá thịt trên 2 cái ao có tổng diện tích 7.000m2, năng suất bình quân 30 tấn/năm, với giá từ 19-21 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ tiền cá giống khoảng 45 triệu đồng, thức ăn cho cá khoảng 60 triệu đồng, mỗi năm ông Đệ vẫn lời gần nửa tỷ đồng. Nhờ vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, cả 3 người con của vợ chồng ông đều tốt nghiệp đại học, hiện nay có việc làm ổn định tại các cơ quan Nhà nước.

Không những sản xuất giỏi, lão nông Liêu Minh Đệ còn thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cho hội viên nông dân ở huyện Nhà Bè, tham gia thực hiện công trình an sinh xã hội trên địa bàn xã. Đơn cử tại khu vực nhà ông chỉ có đường bờ rộng khoảng 1m, khi UBND huyện và xã muốn mở rộng đường lên 6m, ông Đệ đã hiến 150m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Mỗi năm vào mùa mưa bão, đường bị sạt lở, ông lại cùng bà con trong xóm góp tiền mua đá, san lấp những vũng lầy và nâng đường.

Bên cạnh việc hiến đất mở rộng đường, ông Đệ còn bỏ tiền mua bóng đèn chiếu sáng, dây điện để thắp sáng đường vào xóm. Vào tháng 8/2022, ông tham gia với Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác cá (khoảng 20-30 hộ) nhằm thu mua hết cá của các hộ nuôi cá trong xã để chống việc thương lái ép giá, và bán cho chợ đầu mối Bình Điền.

Tân Tiến

kinhtedothi.vn

Với những thành tích trong sản xuất và trong các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, lão nông Liêu Minh Đệ được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen về thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019. Được UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021, và được Hội Nông dân TP bình chọn là 1 trong 28 gương “Nông dân tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” lần thứ XV năm 2022.