Một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt là ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm. Do đó, xử lý nước để đảm bảo ổn định các yếu tố môi trường là việc cần thiết giúp tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Rất đáng mừng là một số mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước ở Quảng Nam đã không chỉ giúp người nuôi hạn chế nguy cơ dịch bệnh, thu được giá trị kinh tế lớn mà còn giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Khống chế mầm bệnh
Trong chuyến khảo sát mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Đình Chương, ở thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao cách đầu tư khoa học, bài bản.
Trên diện tích 5ha ven sông Trường Giang, ông Chương đầu tư hệ thống nuôi tôm quy mô công nghiệp với 8 ao chứa lắng, 2 ao tôm giống, 21 ao nuôi tôm thương phẩm.
Nuôi tôm mật độ cao, ông Chương thu lãi xấp xỉ 10 tỷ đồng/vụ. Điểm nhấn nuôi tôm bền vững của ông Chương là áp dụng công nghệ tuần hoàn nước. Trong quá trình nuôi tôm không phải thay nước mà môi trường nước sẽ được xử lý liên tục qua 2 hệ thống xử lý chất thải rắn bằng màng lọc và chất thải hòa tan bằng vi sinh.
Nước luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý ở 8 ao chứa lắng bằng thuốc tím, nguồn nước được đưa đến ao nuôi thương phẩm đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm sinh trưởng, phát triển nhanh.
Nhờ khống chế tối đa các yếu tố gây dịch bệnh cho tôm nên ông Chương không sử dụng chất kháng sinh, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, tăng giá trị tôm thương phẩm.
“Trong quá trình sinh trưởng, con tôm liên tục thải chất bẩn. Rồi thức ăn thừa, tôm thay vỏ, các dạng chất rắn và các chất hòa tan không lắng gây ô nhiễm. Phải xử lý, kiểm soát nước, khống chế mầm bệnh thì nuôi tôm mới đạt sản lượng, năng suất cao” – ông Chương chia sẻ.
Để xử lý nước tốt cho nuôi tôm không bắt buộc phải có diện tích và nguồn vốn lớn. Như hộ ông Dương Quý Hòa (thôn An Trần, xã Bình Hải, Thăng Bình) đầu tư 1 hệ thống xi phông, 1 ao chứa lắng, áp dụng lọc nước bằng sinh học nhưng hiệu quả đem lại rất lớn.
Cách của ông Hòa là kích thích các yếu tố vi sinh phát triển mạnh trong ao nuôi tôm để hấp thụ các chất hòa tan gây ô nhiễm, làm sạch môi trường.
Vi sinh còn phát tán ra các enzim để khống chế vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng gây mầm bệnh. Cách đầu tư đơn giản này cũng giúp ông Hòa không thay nước nên ngăn chặn con đường lây lan nguồn bệnh đi theo dòng nước bên ngoài vào ao.
Hỗ trợ bằng quan trắc môi trường
Quan trắc định kỳ tại các vùng nuôi tôm có ý nghĩa rất quan trọng giúp người nuôi chủ động theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời các tác động xấu đến môi trường, giúp tôm nuôi phát triển tốt.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Nam duy trì phối hợp với cơ quan chuyên môn định kỳ 2 lần/tháng thực hiện lấy mẫu, phân tích các yếu tố môi trường nước ở các khu vực nuôi tôm như nhiệt độ, pH, hàm lượng ô xy hòa tan, độ mặn, nitrit, khí độc NH3/NH4+, vi khuẩn, tảo… để khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Ông Trần Quảng Nam – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, áp dụng các khuyến cáo quan trắc môi trường nước nuôi tôm là cơ sở để thay đổi phương thức nuôi tôm bài bản, ứng phó kịp thời, tránh biến động môi trường nước, nuôi tôm đạt.
Thời điểm hiện nay thường có mưa dông dẫn đến độ mặn trong ao nuôi tôm bị giảm, nước mưa có tính acid là nguyên nhân làm giảm pH, gây sốc và làm chết tôm nuôi. Vì vậy trước mỗi đợt mưa cần bón dolomite hoặc vôi CaCO3 để khắc chế các nguyên nhân gây tôm chết.
Người nuôi tôm cần cân bằng độ mặn, độ kiềm trong ao, duy trì độ pH ở ngưỡng 7,5 – 8,5. Cùng với đó định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát tảo, kiểm tra lượng thức ăn, tránh để dư thừa tích tụ trong nguồn nước làm ô nhiễm đáy ao.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trước thực trạng môi trường nuôi tôm ngày càng ô nhiễm, công tác quan trắc môi trường đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết để người nuôi chủ động hơn trong sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh.
Đồng thời từ kết quả quan trắc môi trường, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động nuôi tôm đến môi trường xung quanh để từ đó có định hướng, quy hoạch, áp dụng đồng bộ các giải pháp phù hợp để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ bền vững.
Nguyễn Quang
Báo Quảng Nam