Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản với diện tích nuôi thủy sản ước tính đạt 811,1 nghìn ha, sản lượng cá nuôi đạt trên 2 triệu tấn và hàng năm cung cấp trên 56% sản lượng cả nước (Tổng cục Thống kê, 2018). Trong số các đối tượng thủy sản được nuôi ở ĐBSCL thì cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài phổ biến, do thịt cá thơm ngon, ít xương và có giá trị dinh dưỡng cao nên được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước
Ở ĐBSCL, cá điêu hồng chủ yếu được nuôi trong lồng bè với số lượng bè nuôi tăng nhanh cùng với mật độ thả nuôi rất cao dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá điêu hồng.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng, nhu cầu và hiệu quả của việc sử dụng thảo dược trong hệ thống nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) lồng bè tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang, qua đó cung cấp những thông tin cơ bản làm cơ sở định hướng cho việc sử dụng thảo dược trong nuôi cá điêu hồng ở tương lai.
Tổng cộng có 60 hộ tại 3 tỉnh được phỏng vấn về (i) đặc điểm hộ nuôi, (ii) tình hình sử dụng thảo dược và (iii) tiềm năng sử dụng thảo dược. Kết quả ghi nhận tỉ lệ hộ đang sử dụng thảo dược ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang lần lượt là 70%, 95%, 60%. Có 15 loại thảo dược đã được sử dụng trong quá trình nuôi cá điêu hồng, trong đó tỏi (Allium sativum), atiso (Cynara scolymus), trâm bầu (Combretum quadrangulare), mần ri (Cleome chelidonii) và dây vác (Cayratia trifolia) được sử dụng nhiều nhất. Công dụng của thảo dược được đa số hộ sử dụng là tăng cường khả năng miễn dịch, phòng, trị bệnh do kí sinh trùng và cải thiện chất lượng nước. Mặc dù nghiên cứu chưa đánh giá được chi phí và lợi nhuận giữa hộ có sử dụng và không sử dụng thảo dược, nghiên cứu đã cung cấp được những thông tin cơ bản về hiệu quả và tiềm năng sử dụng thảo dược trong quá trình nuôi cá điêu hồng.
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6B (2020)