Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường khu vực ÐBSCL; giải pháp để hạ tầng thủy lợi đáp ứng đà tăng trưởng ngành tôm; kinh nghiệm xử lý môi trường nuôi tôm của một số hộ nuôi cá thể của Hợp tác xã 30/4 và Tập đoàn Thủy sản Việt Úc; giải pháp đầu tư kỹ thuật môi trường; thực trạng nuôi tôm công nghệ cao và vấn đề môi trường tại khu vực ÐBSCL; nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề môi trường để phát triển bền vững ngành tôm; hiệu quả nuôi tôm giá thành thấp, lợi nhuận cao, cân bằng môi trường từ mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh; định hướng quy hoạch thủy lợi cho vùng nuôi tôm ở ÐBSCL…
Qua đó, góp phần tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng do quá tải môi trường, nguồn nước, những rào cản nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng tuần hoàn; chia sẻ các mô hình hay, tham vấn các chuyên gia kỹ thuật môi trường, đề xuất cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về phát triển bền vững ngành tôm…
Năm 2022, diện tích nuôi tôm cả nước là 737.000ha, chủ yếu phát triển ở ÐBSCL; giá trị xuất khẩu đạt 4,3 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha, tổng sản lượng 1,153 triệu tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD. Ngành tôm được phát triển theo hướng tăng sản lượng, chất lượng, giá trị theo mô hình siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vấn đề đảm bảo môi trường cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt môi trường nuôi tôm là điều kiện hết sức quan trọng, giúp đảm bảo tỷ lệ thành công vụ nuôi và ổn định giá thành nguyên liệu cho ngành chế biến, xuất khẩu…
Hà Văn
Nguồn: Báo Cần Thơ