Thứ Ba, 9/01/2024, 7:00

FAO: Sản xuất thủy sản toàn cầu tiếp tục trì trệ trong năm 2023

Năm 2023 đã được chứng minh là một năm đầy thách thức đối với ngành Khai thác và Nuôi trồng thủy sản toàn cầu, với nguồn cung nhìn chung thắt chặt, nhu cầu yếu và những thay đổi đáng chú ý trong mô hình thương mại. Các yếu tố kinh tế, đặc biệt là nạn lạm phát và sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng, đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của ngành, dẫn đến tiêu dùng và sản xuất trì trệ.

Ảnh minh họa

Ngay cả khi mức tiêu dùng tổng thể đã phục hồi về mức cũ (như trước đại dịch), thị trường vẫn có những lo ngại chung trước tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Mức tiêu thụ trung bình toàn cầu vẫn giữ nguyên như năm 2022 với 20,6 kg/người. Khi thu nhập khả dụng giảm, thực phẩm thủy sản phải chịu sự cạnh tranh về giá (ngày càng tăng) so với các nguồn protein khác. Đặc biệt ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, các sản phẩm thủy sản có giá cao hơn có doanh số bán hàng giảm do người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm giá rẻ hơn. Điều này được phản ánh rõ qua nhu cầu tiêu thụ suy yếu đối với các mặt hàng như cua tuyết và tôm hùm. Các sản phẩm khác, chẳng hạn như tôm, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, trong đó các nhà sản xuất phàn nàn về giá thấp mặc dù chi phí sản xuất cao hơn.

Về mặt sản xuất, tổng sản lượng thủy sản toàn cầu năm 2023 được FAO ước tính đạt 185,4 triệu tấn, tăng nhẹ 0,6% so với năm trước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khiêm tốn 2,8% so với mức của năm 2022, trong khi chi phí sản xuất tăng, cũng như nạn lạm phát đã cản trở hoạt động sản xuất. Sản lượng khai thác thủy sản trong tự nhiên giảm 1,7% xuống 89,6 triệu tấn, chủ yếu do hạn ngạch đánh bắt giảm đối với một số loài cá thịt trắng cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Niño. Đặc biệt El Niño đã có tác động rõ rệt đến sản lượng đánh bắt cá cơm của Peru, một trong những nghề cá lớn nhất thế giới. Vụ cá cơm đầu tiên của Peru vào năm 2023 bị hủy bỏ đã dẫn đến thiếu hụt khoảng 2.660.000 tấn thủy sản so với những năm trước.

Dự báo triển vọng đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Đối với ngành nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc): Ngành này đang phải đối mặt với tình trạng sản lượng khai thác bạch tuộc giảm và nguồn cung mực Loligo cũng giảm. Đối với thị trường cua: Đang gặp phải tình trạng nguồn cung cua huỳnh đế ở Bắc Mỹ khan hiếm. Phân khúc cá đáy: Sẽ có hạn ngạch cá tuyết giảm 20% nhưng cá minh thái tăng. Ngành tôm hùm đang chịu áp lực từ việc giảm sản lượng khai thác ở Mỹ. Các loài cá nổi nhỏ như cá trích và cá thu đang phải đối mặt với mức giảm sản lượng đánh bắt được khuyến nghị. Khối lượng sản xuất và thương mại cá rô phi ổn định nhưng phải đối mặt với chi phí tăng cao và nhu cầu không ổn định. Người nuôi cá tra đang phải vật lộn với tình trạng sản xuất trì trệ và thu hoạch giảm, cùng với hiện tượng El Niño đã ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam).

Ngọc Thúy (theo FAO)

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn