(Aquaculture.vn) – Các tiêu chuẩn nuôi tôm xuất khẩu được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm ASC, GlobalGAP và BAP. Một trong những nguyên tắc quan trọng giống nhau giữa 3 tiêu chuẩn ASC, Global GAP và BAP là truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu nuôi trồng đến thành phẩm cũng như việc đảm bảo mức độ an toàn về chất lượng và quá trình sản xuất.
TIÊU CHUẨN ASC
Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council-Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), là một tổ chức độc lập, phi chính phủ và phi lợi nhuận. ASC được thành lập vào năm 2009 bởi WWF (World Wildlife Fund: Quỹ Động Vật Hoang Dã Thế Giới) và IDH (Dutch Sustainable Trade Initiative: Sáng Kiến Thương Mại Bền Vững Hà Lan), để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. ASC đang có những bước tiến bộ vượt bậc trong việc hướng đến mục tiêu để trở thành chương trình chứng nhận và dán nhãn hàng đầu thế giới đối với các loài thủy sản nuôi có trách nhiệm. ASC đưa sản phẩm thủy sản an toàn từ các trại nuôi ra thị trường, đồng thời hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.
ASC xây dựng hai tiêu chuẩn thành phần: Tiêu chuẩn trang trại (áp dụng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản) và tiêu chuẩn chuỗi hành trình (áp dụng cho các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu – nhập khẩu, phân phối). Tuy nhiên, hiện nay, ASC chỉ mới hoàn thiện tiêu chuẩn đối với trang trại. Vì vậy, để đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản có được giấy thông hành đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới, ASC kết hợp cùng MSC cung cấp tới khách hàng dịch vụ chứng nhận MSC Chuỗi hành trình sản phẩm (MSC CoC).
Tiêu chuẩn ASC bao gồm các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật, quyền hợp pháp ở tại đó)
- Bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học
- Bảo tồn nguồn tài nguyên nước
- Bảo tồn sự đa dạng của các loài và quần thể hoang dã (ví dụ: ngăn ngừa xổng thoát có thể gây nguy hiểm cho cá hoang dã)
- Sử dụng có trách nhiệm về thức ăn chăn nuôi và các nguồn tài nguyên khác
- Sức khỏe động vật (không sử dụng kháng sinh và hóa chất không cần thiết)
- Trách nhiệm xã hội (ví dụ: không có lao động trẻ em, sức khỏe và an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng)
TIÊU CHUẨN BAP
BAP (Best Aquaculture Practices) – Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của tổ chức Global Aquaculture Alliance (GAA: Liên minh Thủy sản toàn cầu), một tổ chức quốc tế, phi chính phủ và phi lợi nhuận.
Tiêu chuẩn chứng nhận BAP được thực hiện cho nhiều lĩnh vực khác nhau từ trại giống, nhà máy thức ăn đến trang trại và nhà máy chế biến thuỷ sản.
Chứng nhận BAP tập trung chủ yếu về trách nhiệm với xã hội, môi trường, sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm và chương trình truy xuất nguồn gốc tự nguyện đối với các cơ sở thủy sản.
Các doanh nghiệp, trang trại nuôi trồng đạt được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản BAP sẽ được cấp nhãn chứng nhận BAP in trên bao bì sản phẩm, thể hiện sự cam kết của nhà sản xuất với khách hàng trong việc cung cấp thủy sản sạch và được khai thác bền vững.
Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn BAP:
- Tiêu chuẩn BAP được áp dụng cho tất cả tổ chức, không phân biệt loại hình, địa điểm, quy mô,…
- Đây là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện, tập trung vào việc quản lý chất lượng
- Khi tổ chức xây dựng và đáp ứng theo tiêu chuẩn BAP, tổ chức có hệ thống quản lý chất lượng có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng
Các yêu cầu khi áp dụng BAP/ACC:
- Chương trình BAP ra các tiêu chuẩn cho từng loại hình cơ sở, từ nhà máy sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi trang trại đến nhà máy chế biến. Hiện chứng nhận trang trại và trại sản xuất giống tôm, cá hồi, cá rô phi, cá da trơn và cá tra trang trại, nhà máy chế biến thủy sản và nhà máy thức ăn chăn nuôi
- Dự thảo của Uỷ ban kỹ thuật với đại diện các bên liên quan rộng rãi và được giám sát bởi một Uỷ ban giám sát tiêu chuẩn, tiêu chuẩn BAP toàn diện hơn các hệ thống chứng nhận khác
- Tiêu chuẩn BAP đề cao tính cộng đồng và quan hệ của nhân viên, bảo tồn đa dạng sinh học của đất, quản lý nước, ma túy và quản lý hóa chất
TIÊU CHUẨN GLOBALG.A.P
GlobalGAP (Good Agricultural Practices – GAP) là tổ chức tư nhân thiết lập các tiêu chuẩn tự nguyện cho việc chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu nhằm bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, sức khoẻ, an sinh xã hội cho người lao động và bảo vệ môi trường.
Các yêu cầu trong tiêu chuẩn GlobalGAP:
- An toàn thực phẩm
- Truy xuất nguồn gốc của sản phẩm
- Phúc lợi của động vật
- Sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi của nhân viên
- Giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
- Giảm thiểu các chất bổ sung hóa chất nông nghiệp và dược phẩm
- Đảm bảo những tiêu chuẩn về “Hệ thống quản lí chất lượng” (QMS), “Quản lí dịch hại tổng hợp” (IPC), “Quản lí cây trồng tổng hợp” (ICM), và “Hệ thông phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP)
Để áp dụng tốt GlobalGAP thì cần quan tâm vào việc đầu tư nguồn giống tốt. Song song với đó trong cả quá trình nuôi trồng thì nông trại cần phải ghi chép về toàn bộ quá trình của chuỗi thực hành sản xuất. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển sản phẩm GlobalGAP.
Thu Hiền (Tổng hợp)