Nông dân tận dụng đất bãi bồi nuôi vọp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nuôi nhỏ lẻ nên rất cần liên kết và xây dựng thương hiệu.
Theo ghi nhận tại huyện Duyên Hải, địa phương có diện tích đất bãi bồi ven biển khá lớn với 6.600 ha, nhiều bà con nơi đây đã tận dụng lợi thế trên để phát triển nghề nuôi thủy sản, trong đó có mô hình nuôi vọp. Ban đầu chỉ có một vài hộ thả nuôi nhỏ lẻ nhưng đến nay đã có trên 200 ha diện tích thả nuôi theo mô hình này.
Ông Sơn Sóc Kha (ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải) cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nghề nuôi dê nhưng thấy phong trào nuôi vọp ở địa phương phất lên, ông quyết định chuyển sang nuôi vọp. Vụ đầu tiên thấy lợi nhuận khá cao nên ông Kha đã mở rộng diện tích nuôi lên 3.000 m2.
Theo ông Kha, nuôi vọp không tốn chi phí thức ăn như các loài thủy sản khác. Người nuôi chỉ đầu tư vốn ban đầu là tiền mua con giống. Mỗi năm ông Kha thả nuôi khoảng 450 nghìn con giống trên diện tích 3.000m2 với chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Sau thời gian thả khoảng 10 tháng vọp có trọng lượng chuẩn từ 14-15 con/kg. Với giá vọp thương phẩm hiện nay giao động từ 35.000 – 38.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí ông Kha lãi gần 100 triệu đồng.
Còn theo nông dân Lê Hoàng Chinh, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, vọp là loài nhuyễn thể rất dễ nuôi và không đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật. Ưu thế khác của loài này là hầu như vọp không bị dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Còn thức ăn của chúng chủ yếu là các sinh vật phù du dưới đáy bùn nên người nuôi không phải tốn kém thêm bất kỳ chi phí nào.
Ông Chinh tiết lộ, vùng phù hợp nhất để nuôi vọp là những nơi có thủy triều lên xuống thường xuyên. Nơi có nhiều phù sa rất thuận lợi cho vọp sinh trưởng tốt và lớn nhanh.
Tuy nhiên, để hạn chế cho vọp di chuyển theo dòng chảy của con nước người nuôi nên giăng lưới cao bao quanh khu vực thả nuôi. Môi trường sinh sống của vọp hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên tại các bãi bùn, không có sự can thiệp của bất cứ sản phẩm thức ăn công nghiệp nào. Vì vậy, vọp là nguồn thực phẩm sạch và giàu chất dinh dưỡng, dễ nuôi, ít tốn công nhưng thu nhập ổn định.
Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duyên Hải, cho biết, toàn huyện có 303 hộ nuôi vọp với diện tích 203 ha, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 157 tấn mỗi năm. Đây là mô hình mà người nuôi không tốn chi phí thức ăn, giá vọp ổn định, nhiều hộ đã phất lên nhờ mô hình này. Trung bình một ha thả nuôi nếu bán được giá từ 30 nghìn đồng trở lên nông dân lãi từ 250-300 triệu/năm.
“Mặc dù có tiềm lực phát triển nhưng hiện nay bà con vẫn chưa nuôi loài nhuyễn thể này theo một quy trình chuẩn. Nghề nuôi vọp vẫn còn manh mún và chưa có thông tin truy xuất nguồn gốc hay hệ thống nhận diện thương hiệu, nhất là còn phụ thuộc vào thương lái.
Trong những năm tiếp theo địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích nông dân tham gia chuỗi sản xuất. Thành lập HTX để xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm. Qua đó, khai thác đúng giá trị nghề nuôi vọp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường”, ông Trần Quốc Đoàn chia sẻ.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam