Chủ Nhật, 31/03/2024, 21:34

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bàn cách gỡ khó cho nuôi biển Việt Nam

(Aquaculture.vn) – Trong vòng hai năm, Quảng Ninh đã hình thành hơn 100 hợp tác xã nuôi biển, đưa 10 triệu phao xốp lên bờ. Sự nỗ lực của Quảng Ninh trong việc tái tạo và phát triển đã gửi tới nguồn cảm hứng nuôi biển rất lớn cho Bộ NN&PTNT.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại buổi gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với các hợp tác xã và doanh nghiệp nuôi biển tại khu vực nuôi lồng bè giữa biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chiều ngày 31/3. Sự kiện có sự góp mặt của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy và hơn 20 hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi biển tỉnh Quảng Ninh tới tham dự.

Từ trái qua: PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc Hội, Phó CT Thường trực Hội Thuỷ sản Việt Nam; ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản; ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Tất Thắng, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh

Tại buổi gặp gỡ, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã có những kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh về những bất cập còn tồn đọng trong ngành nuôi biển.

Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi cho biết, hiện nay lồng bè nuôi biển đang gặp khó khăn trong việc liên lạc do không có sóng điện thoại. Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất chưa có cảng tiêu thụ chuyên nghiệp. Và quan trọng nhất hiện nay là ngoài lồng bè nuôi vẫn chưa có hệ thống điện lưới để sản xuất. Việc sử dụng điện vẫn đang phụ thuộc vào hệ thống năng lượng mặt trời hoặc máy phát. Anh Bảo mong muốn cơ quan nhà nước xem xét, tạo điều kiện để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.

Giải đáp kiến nghị của Giám đốc HTX Thuỷ sản Thắng Lợi, ông Cao Tường Huy cho biết, tỉnh sẽ sớm có ý kiến với các nhà mạng để triển khai lắp đặt, đảm bảo việc duy trì liên lạc. Đối với cảng cá, tỉnh đã có chủ trương xây dựng một cảng cá đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ hỗ trợ ngư dân. Đối với hệ thống điện, vẫn cần linh hoạt trong việc tận dụng khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời…

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn STP đề xuất mong muốn siết chặt hơn nữa mối liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi biển. Đồng thời, đề xuất tìm kiếm các dự án triển sản phẩm rong sụn phục vụ nuôi biển theo hướng đa giá trị.

Đại diện tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Mực nhảy Biển Đông đánh giá cao sự đầu tư cho nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng có những kiến nghị lên Bộ trưởng những rào cản chính sách, quy hoạch bàn giao mặt nước. “Hiện nay, chưa có ranh giới rõ ràng giữa người nuôi và người khai thác nên thường xảy ra những xung đột. Người nuôi biển cũng không có căn cứ, cơ sở để ngăn cản người đánh bắt, khai thác thủy sản gần khu vực nuôi thả”, ông Bảo cho hay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Chia sẻ với các đại biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tiềm năng nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng cũng cho rằng, doanh nghiệp, người nuôi cần mở rộng tư duy, khai thác sâu và tối đa giá trị của sản phẩm. “Mọi sản phẩm nuôi trồng nếu chúng ta chỉ quan niệm nó là thực phẩm, đó mới chỉ là giá trị 10, dược phẩm, mỹ phẩm mới là giá trị 100. Bà con nuôi biển cần có tư duy tối đa hóa sản phẩm, không nên coi nghề cá là nghề giải trí. Bộ cùng các địa phương đang nỗ lực tạo ra một không gian sinh kế mới, đưa nuôi biển trở thành ngành hàng. Nếu cứ theo cách tiếp cận này sẽ và đôi khi cứ căng thẳng về lợi ích, sẽ không có sự chia sẻ lợi ích”, Bộ trưởng cho hay.

Cùng ngày, tại bãi biển Phương Đông, huyện Vân Đồn đã diễn ra lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành Thuỷ sản và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đại biểu tại buổi Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Hoạt động ý nghĩa này được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ nhằm góp phần quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Phạm Huệ