Thứ Ba, 10/01/2023, 13:48

Mật độ ương ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá Mú cọp (Epinephelus fuscoguttatus) giai đoạn ương từ 30 đến 50 ngày tuổi

Nguyễn Quý Thịnh1, Nguyễn Đức Tuấn2, Nguyễn Anh Hiếu3,

Ngô Phú Thỏa4, Kim Văn Vạn4

1Học viên Thạc sĩ thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 2Trung tâm quốc gia giống Hải sản miền bắc – Viện NCNTTS I3

3Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật – Bộ Khoa học và Công nghệ

4Khoa thủy sản – Học viện nông nghiệp Việt Nam

Tác giả liên hệ: Nguyễn Quý Thịnh (Email: quythinh.nguyen.99@gmail.com)

(Aquaculture.vn) – Kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng thức ăn INVE NRD 5/8 và INVE NRD G8 ương nuôi ở điều kiện môi trường thuận lợi miền Bắc, sinh trưởng chiều dài và tỷ lệ sống của cá mú cọp tốt nhất ở mật độ 500 con/m3 lần lượt đạt là 48,81 mm/con và 94,8% (P<0,05). Khi ương nuôi với mật độ lớn hơn 500 con/m3, thì sinh trưởng và tỷ lệ sống có xu hướng giảm.

 

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng cá Mú cọp (Epinephelus fuscoguttatus Forsskål, 1775) 30 ngày tuổi có chiều dài toàn thân trung bình đạt 22,67 ± 2,04 mm. Cá sử dụng trong nghiên cứu được sản xuất và ương nuôi tại Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Bắc.

Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ ương lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá Mú cọp giai đoạn 30 đến 50 ngày tuổi được tiến hành với 2 thí nghiệm:

+ Thí nghiệm 1 (TN1): Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ ương trong bể xi măng lên tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp giai đoạn từ 30 – 50 ngày tuổi.

Thí nghiệm được bố trí với 05 nghiệm thức về mật độ khác nhau là: 400; 500; 600; 700 và 800 con/m3 (ký hiệu lần lượt là MĐB1; MĐB2; MĐB3; MĐB4; MĐB5) với 03 lần lặp. Cá giống của mỗi nghiệm thức được bố trí ngẫu nhiên trong 15 bể xi măng (thể tích: 8 m3/bể) trong nhà có mái che.

+ Thí nghiệm 2 (TN2): Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ ương trong giai ở ao xi măng lên tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp giai đoạn từ 30 – 50 ngày tuổi.

Bố trí thí nghiệm với 04 nghiệm thức về mật độ và 03 lần lặp. Các giai 4m3 (D x R x C tương ứng là 2m x 2m x 1,5m) sử dụng trong thí nghiệm được bố trí trong cùng một ao (nền đáy xi măng) có diện tích 3.000m2:

+ MĐA1: 500 con/m3 tương đương 2.000 con/giai

+ MĐA2: 1.000 con/m3 tương đương 4.000 con/giai

+ MĐA3: 1.500 con/m3 tương đương 6.000 con/giai

+ MĐA4: 2.000 con/m3 tương đương 8.000 con/giai

Nguồn nước sử dụng cho cả hai thí nghiệm ương trong ao và trong bể sử đều được lọc qua bể lọc thô và bể lọc tinh trước khi cấp vào bể và ao sử dụng cho nghiên cứu. Các giai và bể thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên nhằm đảm bảo các điều kiện môi trường tương đồng nhau, nước trong ao và bể được sục khí liên tục, lưu lượng nước duy trì từ 10 – 15 lít/phút thông qua hệ thống máy bơm. Theo dõi các yếu tố môi trường: Nhiệt độ, pH được đo 2 lần/ngày vào 6h và 14h bằng nhiệt kế thủy ngân và máy đo pH (Scan2, Eutech, Singapore); độ mặn được đo 1 lần/ngày bằng khúc xạ kế.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Ảnh hưởng của mật độ ương trong bể đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp giai đoạn từ 30 đến 50 ngày tuổi.

Kết quả theo dõi biến động của các yếu tố môi trường nước các bể thí nghiệm bao gồm: Nhiệt độ, độ mặn và hàm lượng oxy hòa tan và pH. Nhiệt độ nước bể thí nghiệm dao động trong khoảng từ 26 – 28oC, độ mặn 29‰; DO dao động trong khoảng 5,0 – 5,5 và pH dao động trong khoảng từ 8,0 – 8,2. Nhìn chung các yếu tố môi trường nước trong các bể thí nghiệm đều nằm trong khoảng phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá mú cọp (Boyd, 1998).

Kết quả theo dõi sinh trưởng của cá mú cọp trong thí nghiệm 1 ảnh hưởng của mật độ ương trong bể đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp cho thấy, mật độ ương có ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng chiều dài và khối lượng của cá. Với kích thước trung bình của cá 30 ngày tuổi khi thả là 22,67± 2,04 mm/con, sau 20 ngày, sinh trưởng của cá mú cọp là tốt nhất khi ương trong bể xi măng với mật độ 500 con/m3, chiều dài và khối lượng khi thu hoạch (50 ngày tuổi) lần lượt đạt 45,92± 2,17 mm/con và 2,18 ± 0,050 g/con. Sinh trưởng của cá mú cọp giảm dần khi ương nuôi trong các bể với mật độ 400 con/m3; 600 con/ m3, 700 con/m3 và thấp nhất trong thí nghiệm này khi ương với mật độ 800 con/m3 (chiều dài và khối lượng chỉ lần lượt đạt 41,61 ± 2,49 mm/con và 2,00 ± 0,040 g/con). Sinh trưởng của cá ương có xu hướng tăng khi nâng mật độ ương nuôi từ 400 con/m3 lên 500 con/m3 tuy nhiên sau đó lại có xu hướng giảm khi tiếp tục tăng mật độ ương lên 600 con/m3 mặc dù sai khác về sinh trưởng của cá ở 3 mật độ ương nuôi này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Khi tiếp tục nâng cao mật độ ương nuôi lên 700 con/m3 và 800 con/m3 thì sinh trưởng chiều dài và khối lượng của cá mú cọp giảm rõ rệt trung bình lần lượt chỉ đạt 2,00 – 2,04 g/con và 41,61 – 42,50 mm/con. Mặc dù sai khác sinh trưởng về chiều dài và khối lượng của cá ở mật độ ương 700 con/m3 và 800 con/m3 không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) nhưng lại  thấp hơn và có ý nghĩa thống kê khi so sánh ở các mật độ 400 con/m3; 500 con/m3 và 600 con/m3 (P<0,05).

Tương tự khi xem xét tỷ lệ sống của cá thí nghiệm sau 20 ngày ương trên bể xi măng với 5 mật độ, kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá ương ở các mật độ từ 400 – 600 con/m3 lần lượt đạt từ 84,2 ± 1,54% đến 87,5 ± 2,04% (P>0,05) và cao hơn (P<0,05) tỷ lệ sống của cá ương ở mật độ 700 – 800 con/m3 (tỷ lệ sống tương ứng lần lượt đạt 75,6 ± 3,47% và 72,8 ± 3,50%). Tỷ lệ sống cao nhất của cá đạt được trong thí nghiệm này là 87,5% khi ương với mật độ 500 con/m3. Sai khác về tỷ lệ sống của cá giữa các mật độ ương 400, 500, 600 con/m3 có ý nghĩa thống kê (P<0,05) khi so sánh với tỷ lệ sống của cá ương với mật độ 700 và 800 con/m3. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi ương cá mú cọp trong bể xi măng có tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá tỷ lệ thuận với mật độ ương từ 400 con/m3 lên 500 con/m3 và đạt cao nhất ở mật độ ương này.

Hình 1. Tỷ lệ sống của cá Mú cọp khi ương trong bể với các mật độ khác nhau

Ảnh hưởng của mật độ ương trong giai ở ao xi măng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống

Kết quả theo dõi sinh trưởng của cá mú cọp trong thí nghiệm ương trong giai bố trí ở ao xi măng cho thấy, mật độ ương có ảnh hưởng lớn tới tốc độ sinh trưởng chiều dài và khối lượng của cá. Với kích thước trung bình của cá 30 ngày tuổi khi thả là 22,67± 2,04 mm/con, sau 20 ngày, sinh trưởng của cá mú cọp là tốt nhất khi ương trong bể xi măng với mật độ 500 con/m3, chiều dài và khối lượng khi thu hoạch (50 ngày tuổi) lần lượt đạt 48,81± 3,77 mm/con và 2,30 ± 0,04 g/con. Sinh trưởng của cá mú cọp giảm dần khi ương nuôi trong các giai với mật độ 1.000; 1.500 con/m3 và thấp nhất trong thí nghiệm này khi ương với mật độ 2.000 con/m3 (chiều dài và khối lượng lần lượt chỉ đạt 40,31 ± 4,88 mm/con và 1,92 ± 0,045 g/con). Sinh trưởng của cá ương trong thí nghiệm này tỷ lệ nghịch với mật độ hay nói cách khác khi tăng mật độ ương nuôi thì sinh trưởng về chiều dài và khối lượng của cá giảm. Sai khác sinh trưởng về chiều dài và khối lượng của cá trong thí nghiệm này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Tương tự khi xem xét tỷ lệ sống của cá  thí nghiệm khi ương từ 30 đến 50 ngày tuổi ở trong các giai với 04 mật độ (500, 1.000, 1.500 và 2.000 con/m3), kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá cao nhất khi ương ở mật độ từ 500 con/ m3 (94,8 ± 2,19%) và thấp nhất chỉ đạt 60,2 ± 7,05% khi ương với mật độ mật độ 2.000 con/m3. Sai khác về tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức về mật độ trong thí nghiệm này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Tỷ lệ sống của cá trong thí nghiệm này có xu hướng giảm khi nâng mật độ ương nuôi hay mật độ tỷ lệ nghịch với tỷ lệ sống của cá khi ương nuôi ở giai đặt trong ao xi măng.

Như vậy trong cả hai thí nghiệm ương cá mú trong bể hoặc giai đặt trong ao thì kết quả cho thấy mật độ 500 con/m3 là phù hợp nhất với sinh trưởng và tỷ lệ sống tốt nhất cho ương nuôi cá mú cọp từ 30 đến 50 ngày tuổi.

KẾT LUẬN

Sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp giai đoạn 30 – 50 ngày tuổi đạt cao nhất (P<0,05) khi ương nuôi với mật độ 500 con/m3 ở cả hai  thí nghiệm ương nuôi trên bể và trong giai bố trí trong ao, với thức ăn sử dụng là INVE NRD 5/8 và INVE NRD G8 và các điều kiện môi trường trong ngưỡng phù hợp. Sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp gai đoạn 30 – 50 ngày tuổi tỷ lệ thuận với mật độ  khi mật độ ương ≤ 500 con/m3; tuy nhiên khi tiếp tục nâng cao mật độ ương nuôi >500 con/m3 thì sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá mú cọp có xu hướng giảm (tương quan nghịch).