Thứ Năm, 1/02/2024, 11:00

Cá mè vinh hóa “cá giòn” ở An Giang

Cá mè vinh hóa cá giòn, một sản phẩm mới trong ngành nuôi cá giòn phục vụ nhu cầu của các nhà sành ăn. Đem lại một hiệu quả tích cực đến màu sắc thịt, làm thịt sáng hơn, độ pH cao hơn và dai hơn so với cá mè vinh thông thường và không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.

Cá mè vinh. Ảnh: Sưu tầm

Cá giòn đã không còn là loại cá xa lạ trong lòng của rất nhiều người. Bởi thịt cá có cơ thịt dai, giòn, thơm ngon nên được coi là sản phẩm đặc sản và có giá bán cao hơn 2 – 3 lần so với bình thường giá trị của cá chưa được hóa giòn. Việc nuôi cá giòn trên thế giới đã xuất hiện từ lâu đối với các nước trên thế giới như Nga, Hungary và Trung Quốc, các đối tượng được nuôi bằng công nghệ này phát triển nhất là cá chép và cá trắm Cỏ. Ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đặc biệt là các tỉnh như Tây Ninh, Khánh Hòa,… đã áp dụng công nghệ này gầm gộ đem lại nhiều kết quả tích cực.

Công nghệ hóa cá giòn là một công nghệ dễ dàng áp dụng. Các hộ dân sẽ chuẩn bị đậu tằm được ngâm trong nước tối thiểu 24 giờ để phòng loại bỏ chất bẩn có trong hạt đậu. Sau đó rửa sạch đậu tằm bằng muối 1% và cho cá ăn cùng với khối lượng thức ăn hàng ngày của cá chiếm từ 7 – 10% tổng trọng lượng cá nuôi trong vèo, ao, bể bạt, ngày cho cá ăn 1 – 2 lần. Tùy vào từng loại cá mà có thời gian khác nhau ví dụ ở cá trắm cỏ thì thời gian nuôi sẽ lâu hơn cá chép. Ngoài việc cho ăn cần phải chú ý đến các chỉ tiêu môi trường, nguồn giống, dịch bệnh. Ở những tháng đầu (1 – 2 tháng) nên cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, từ đó trở về sau sẽ cho ăn 100% đậu tằm.

Cá mè vinh cũng là một đối tượng mới được xem là có tiềm năng trong việc hóa giòn. Vì loài cá này loài ăn thực vật, thành phần thức ăn của chúng bao gồm thực vật thủy sinh, các loại cây cỏ thủy sinh thân mềm, rau muống, bèo, rong, côn trùng, ngoài ra cá có thể ăn thức ăn chế biến. Đặc điểm này có nét tương đồng so với cá chép và cá trắm cỏ. Cá mè vinh còn là loài cá quen thuộc và rất được ưa chuộng với người dân các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là An Giang. Tuy nhiên thịt cá mè vinh còn mềm, nhiều xương nên giá trị sản phẩm chưa cao. Từ những điều đó việc hóa giòn cho cá mè vinh đã được quan tâm đến.

Công nghệ hóa cá giòn là một công nghệ dễ dàng áp dụng

Với mục tiêu làm đa dạng các sản phẩm cá giòn phục vụ nhu cầu của thị trường và tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi được thực hiện ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho thấy với cách bố trí 2 nghiệm thức một là bổ sung đậu tằm và hai là không bổ sung đậu tằm trong khẩu phần nuôi cá với 3 lần lặp lại, thời gian nuôi trong 4 tháng cho kết quả, khi nuôi cá mè vinh bằng thức ăn đậu tằm không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.

Thức ăn đậu tằm khi cho cá ăn đã tác động tích cực đến màu sắc thịt, làm thịt sáng hơn, độ pH cao hơn và dai giòn hơn so với cá mè vinh không cho ăn đậu tằm. Độ dai của thịt cá mè vinh cho ăn đậu tằm (7776,33 N) cao hơn so với độ dai của thịt cá mè vinh không cho ăn đậu tằm (7302,67 N). Từ thử nghiệm mô hình nuôi ở An Giang thì khi cá ở giai đoạn khoản 350 g/con thì có thể chuyển dần từ thức ăn công nghiệp sang thức ăn đậu tằm để cải thiện chất lượng thịt cá giòn dai hơn, cơ thịt sáng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cá mè vinh đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Như vậy, với kết quả mang lại có thể nhân rộng mô hình nuôi cá mè vinh giòn ở các địa phương khác, điều này rất có ý nghĩa cho việc nâng cao giá trị của cá mè vinh góp phần làm phong phú các đối tượng nuôi, tạo nguồn sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị hiếu của thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Mở ra một hướng đi mới cho con cá giòn ở Việt Nam đa dạng và chất lượng hơn trong thời gian tới.

Hồng Huyền

Tép bạc