Thứ Hai, 23/10/2023, 9:00

Giải quyết vấn đề ký sinh trùng trên tôm

(Aquaculture.vn) Cùng với sự phát triển của ngành tôm, việc nuôi tôm mật độ cao ngày càng phổ biến, dẫn đến việc môi trường bị ô nhiễm nặng nề, là điều kiện cho mầm bệnh phát triển mạnh, trong đó phải kể đến ký sinh trùng. Khi ký sinh trùng tấn công, sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột bùng phát, đặc biệt là bệnh Phân trắng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất vụ nuôi.

Nguyên nhân:

– Do trùng hai tế bào (Gregarine) ký sinh trong ruột tôm và có vật chủ trung gian là động vật thân mềm và động vật chân đốt. Gregarine thường gặp giai đoạn tôm 40-50 ngày sau thả giống ở những ao nuôi mật độ cao vào lúc trời nắng nóng và đáy ao dơ. Tôm nhiễm Gregarine thường chậm lớn, gây tổn thương niêm mạc ruột giữa, tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh đường ruột cho tôm.

– Do Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) nhiễm ở tế bào biểu mô của ống gan tụy tôm. EHP ký sinh nội bào bắt buộc, sử dụng dinh dưỡng và năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến tôm chậm lớn và phân cỡ. EHP nhiễm ở tất cả giai đoạn phát triển của tôm. Tốc độ lây lan rất nhanh. Không gây chết tôm nhưng là tác nhân cơ hội cho Vibrio tấn công gây bệnh khác như: Phân trắng, Hoại tử gan tụy.

– Do Vermiform (dạng giun) hiện diện trong ống gan tụy, ruột giữa của tôm. Vermiform làm tôm giảm ăn, chậm lớn và có liên quan đến bệnh Phân trắng ở tôm.

Dấu hiệu nhận biết:

– Ruột ziczac, “xoắn lò xo”.

– Đường ruột tôm bị đứt thành từng đoạn hoặc không có thức ăn trong đường ruột.

– Ruột tôm bị cong, phình to, có dịch màu vàng hơi hồng.

– Chấm gạo đường ruột đốt thứ 6 (mũ đuôi).

– Tôm bệnh chuyển sang màu trắng đục hay màu sữa, khi tôm lớn dễ quan sát hơn, nhiều con bị đục cơ ở lưng hay phần cuối cơ thể.

Tác hại:

Mặc dù không gây chết hàng loạt trong thời gian ngắn, nhưng sẽ làm chết lai rai suốt vụ, tôm chậm lớn, bỏ ăn, tạo điều kiện cho tác nhân cơ hội tấn công gây bệnh Phân trắng và Hoại tử gan tụy, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm nuôi.

Cách xử lý:

– Cải tạo ao thật kỹ.

– Xử lý tốt nguồn nước cấp vào ao nuôi.

– Kiểm soát tốt chất lượng nước: diệt ký chủ trung gian, diệt khuẩn định kỳ, xử lý chất hữu cơ dư thừa, bùn đáy ao, thường xuyên kiểm tra nồng độ oxy hòa tan (>4ppm) tốt nhất là 5ppm (kích thích tôm ăn khỏe, lớn nhanh, ít bị bệnh tấn công).

– Kiểm soát chất lượng thức ăn và lượng cho ăn: đảm bảo thức ăn sạch, hạn chế lượng thức ăn dư thừa gây ô nhiễm hữu cơ.

– Sử dụng chế phẩm sinh học:

  • Chế phẩm vi sinh: ổn định hệ vi khuẩn đường ruột, tăng mật độ vi khuẩn có lợi trong đường ruột tôm; chủng vi sinh đặc hiệu chuyên ức chế ký sinh trùng; vi sinh xử lý nước và đáy ao nuôi.
  • Chế phẩm enzyme: xử lý nước ao ô nhiễm hữu cơ.

Đề xuất giải pháp từ Thái Nam Việt:

Sử dụng chế phẩm sinh học sẽ xử lý triệt để ký sinh trùng và các bệnh đường ruột nhưng vẫn đảm bảo cho sự tăng trưởng bình thường của tôm, giúp tôm về size lớn, hạn chế được thiệt hại và giữ vững năng suất cho người nuôi.

Giải quyết vấn đề ký sinh trùng trên tôm

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT SINH HÓA THÁI NAM VIỆT

Địa chỉ: 126 Lã Xuân Oai, P. Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Điện thoại: 0888 59 63 66

Email: info@thainamviet.com

Website: thainamviet.com