Mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bên cạnh những ưu điểm như theo dõi được số lượng, tình hình tăng trưởng, tốc độ bắt mồi, ….của lươn để người nuôi kịp thời xử lý. Thì do hình thức nuôi mật độ cao, ăn thức ăn tươi sống nên dễ gây ô nhiễm môi trường và xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Sau đây là một số lưu ý trong quá trình nuôi lươn để hạn chế dịch bệnh nâng cao hiệu quả kinh tế:
1. Về con giống
Có thể sử dụng lươn thu gom từ tự nhiên, hoặc sản xuất bằng phương pháp bán nhân tạo (hiện nay khá phổ biến), tuy nhiên nên lưu ý cần lưu ý nguồn gốc để tránh mua phải lươn kích điện hay nhử mồi thuốc (tỷ lệ sống rất thấp), tốt nhất nên mua lươn ở những cơ sở uy tín đã qua thuần dưỡng, kích cỡ đồng đều và không bị xây xát, mô hình nuôi con giống bán nhân tạo tỷ lệ hao hụt rất thấp và kích cỡ lươn nuôi đồng đều hơn.
Mật độ thả nuôi thích hợp từ 200-240 con/m2. Trước khi thả vào bể lươn phải được sát trùng bằng tắm nước muối nồng độ 3-5%o trong thời gian 15 phút. Giai đoạn mới thả giống lươn bỏ ăn do môi trường thay đổi đột ngột, do vậy phải ngưng cho lươn ăn 3-4 ngày, dùng vitamin C pha loãng tạt vào bể.
2. Về chăm sóc và quản lý
*Cho ăn:
Trong quá trình chăm sóc phải nắm vững quy tắc 4 định (định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí). Để điều chỉnh thức ăn một cách hợp lý.
Do lươn có tập tính ăn đêm nên bắt mồi mạnh vào lúc chiều tối, tuy nhiên để thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý có thể tập cho lươn ăn vào ban ngày. Quan sát lươn bắt mồi để có thể điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và với thức ăn thừa sau khi cho ăn 1 giờ để hạn chế ô nhiễm nước.
Chú ý: do lươn có tính lựa chọn thức ăn rất cao, khi đã quen với loại thức ăn nào thì việc đổi loại thức ăn khác là rất khó. Do đó khi chuyển đổi thức ăn không nên thay đổi đột ngột làm lươn ăn kém, thậm chí bỏ ăn và rất dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, nên trong quá trình nuôi nếu chuyển đổi thức ăn phải chuyển đổi từ từ để lươn làm quen và thích nghi với thức ăn mới, kèm theo bổ sung men tiêu hóa trong quá trình chuyển đổi.
* Thay nước:
Do nuôi với hình thức thâm canh và đặc điểm là loài thủy sản có da không vảy nên lươn rất mẫn cảm với chất lượng nước của môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho lươn ăn 2 – 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch. Nguồn nước không nhiễm thuốc BVTV, nước thải sinh hoạt, hóa chất công nghiệp; PH 6,5-8. Luôn duy trì mực nước trong ao khoảng từ 30 – 35 cm vừa ngập các giá thể.
3. Về phòng và trị bệnh
* Phòng bệnh: đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất do lươn được nuôi với mật độ cao, chất thải của lươn và thức ăn dư thừa làm môi trường nước mau ô nhiễm, nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Vì thế, định kỳ cần sát trùng bể bằng Iodine (nồng độ 1 ppm) để hạn chế mầm bệnh và sỗ giun cho lươn bằng các sản phẩm trị nội ký sinh (2 tuần/lần). Nên bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, Premix khoáng để hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi, đồng thời cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, giữ vệ sinh bể nuôi và thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn để có biện pháp điều trị thích hợp khi dịch bệnh xảy ra.
* Trị một số bệnh thường gặp:
– Bệnh tuyến trùng: do lươn ăn thức ăn tươi sống nên thường xuyên bị ký sinh đường ruột đặc biệt là tuyến trùng. Khi bị ký sinh nặng, ruột lươn phình to, rối loạn tiêu hóa, hậu môn sưng đỏ, lươn hoạt động yếu, kiệt sức dần và chết. Điều trị: sử dụng các sản phẩm sỗ nội ký sinh như Vime-Clean (10g/40kg lươn) trộn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục 3 – 5 ngày và định kỳ xổ giun cho lươn 2 tuần/lần.
– Bệnh sốt nóng: do thả nuôi với mật độ dày, lươn quấn lấy nhau nên tiết nhiều nhớt; khi nhiệt độ nước trong bể tăng cao, nhớt lươn bị lên men làm môi trường nước bị ô nhiễm dẫn đến giảm oxy hòa tan, lươn treo đầu, đầu lươn phồng to và chết hàng loạt. Điều trị: san thưa bể lươn, thay nước kết hợp với việc sử dụng Vitamin C Antistress (1g/2kg thức ăn) để chống sốc cho lươn.
– Bệnh đóng dấu (lở loét): do ký sinh trùng và vi khuẩn bám vào chỗ xây xát phát triển những vết loét lớn hình đồng tiền hay hình bầu dục. Khi bệnh nặng, đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, lươn thường ngoi lên khỏi mặt nước để thở, yếu dần và chết.
Điều trị: sử dụng Vimefenfish 500 (1mL/25kg lươn) để phun toàn bể kết hợp sử dụng kháng sinh Trimethoprim hoặc Sulfamidine (5g/1kg thức ăn) trộn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục 5 – 7 ngày và bôi thuốc tím trực tiếp vào vết loét.
– Bệnh nấm thủy mi: do nấm kí sinh trên mình lươn, nấm là những đốm trắng giống như bông gòn bám chặt vào da lươn hút chất dinh dưỡng, làm lươn mất máu yếu dần rồi chết. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh. Điều trị: xử lý nước bằng Cenplex Cu (10g/m3 nước) trong bể nuôi lươn. Xử lý lần đầu nấm sẽ rơi rụng ra, liên tục vài lần lươn sẽ dần liền vết ghẻ.
Phan Thị Tư Lan
Sở NN PTNT Nghệ An