Ông Nguyễn Ngọc Liêm trải lòng: “Hơn 10 năm nay tôi nuôi tôm thẻ chân trắng trên hồ bạt, không mang lại hiệu quả như mong đợi. Năm nào đạt, thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhiều vụ tôm chỉ cầm hòa hoặc thua lỗ.
Chính vì vậy, từ lâu tôi đã muốn chuyển đối tượng nuôi. Do điều kiện được làm việc ở xã, và trong những chuyến đi cùng đoàn tham quan một số mô hình của nông dân Phú Yên, tôi thấy nhiều mô hình nuôi ốc hương mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, tôi muốn triển khai mô hình này ở quê mình”.
Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2022 ông Liêm quyết định đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi ốc hương với diện tích 6.000m2, gồm 4 hồ nuôi lót bạc. Theo ông Liêm, mô hình nuôi ốc hương phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết trên vùng cát ven biển Thăng Bình.
Nhờ chủ động được vị trí nuôi gần biển, có thể khoan giếng, lắp máy bơm để đưa trực tiếp nguồn nước vào hồ giữ được độ mặn để ốc hương thích nghi và sinh trưởng.
“Ốc hương là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, có thể nuôi với mật độ cao. Thực tế cho thấy, các mô hình ở Phú Yên mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Trong vòng 6 – 8 tháng, ốc hương có thể đạt trọng lượng 90 – 120 con/kg, giá bán cũng rất cao, khoảng 300 – 350 nghìn đồng/kg” – ông Liêm chia sẻ.
Ông Liêm cho biết thêm, nguồn thức ăn của ốc chủ yếu là tôm, cá tạp giá rẻ sẵn có tại địa phương. Nuôi ốc hương không khó, nhưng cần phải có thời gian chăm sóc, theo dõi tình trạng tiến triển của ốc. Nền đáy khoảng 25cm, phải thường xuyên kiểm tra trong suốt quá trình nuôi; và các yếu tố môi trường như PH, độ mặn, ô xy hòa tan cũng cần theo dõi để có biện pháp xử lý thích hợp.
Ốc hương rất ít xảy ra dịch bệnh, nhưng người nuôi chỉ cần chú ý thay nước hằng ngày. Thời gian cho ăn khoảng 2 ngày một lần. Còn mùa lạnh, ốc ăn ít, có thể giãn thời gian 3 – 4 ngày.
Được biết, mô hình ông Liêm đang được địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Chính quyền xã Bình Nam đang hướng dẫn ông Liêm thành lập tổ hợp tác sản xuất, tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình.
Ông Đặng Xuân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho biết: “Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của ông Liêm tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở vùng đất cát Thăng Bình.
Một số nông dân địa phương cũng muốn tham gia sản xuất, nhưng hiện nay họ chưa tiếp cận được kinh nghiệm nuôi cũng như nguồn giống. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức các buổi ngoại khóa để chia sẻ, bổ sung các kiến thức cần thiết về nghề nuôi mới mẻ này”.
Thanh Việt – Phước Hiếu
Nguồn: Báo Quảng Nam