Trong thời gian qua, do thời tiết không thuận lợi, các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều đối tượng thủy sản nuôi, ở một số vùng nuôi thủy sản ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà xảy ra hiện tượng nhuyễn thể nuôi bị chết.
Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng thủy sản chết, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ phối hợp với địa phương nắm bắt thông tin, kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi biện pháp xử lý môi trường, khắc phục hiện tượng thủy sản chết, phối hợp Trung tâm quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc – Tổng cục Thủy sản thu mẫu nước, bùn và ngao chết để phân tích xác định cụ thể nguyên nhân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trực tiếp thu mẫu hàu và ngao để gửi cơ quan chuyên môn kiểm tra, xét nghiệm, phân tích nguyên nhân. Kết quả kiểm tra theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mẫu hàu, ngao không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus.
Để nhanh chóng khắc phục hiện tượng hàu, ngao chết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi nuôi hàu, ngao và khu vực xung quanh, dưới đây xin lưu ý đến các cở nuôi nhuyễn thể trong tỉnh thực hiện một số biện pháp kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường theo khuyến cáo của ngành chuyên môn:
– Thu gom hàu, ngao chết ra xa khỏi khu vực nuôi và tiêu huỷ, chôn lấp đúng quy định. Tuyệt đối không đổ xác hàu, ngao chết ra vùng cửa sông; các nơi cạnh khu vực nuôi. Thực hiện tận thu hàu, ngao còn sống đã đạt kích cỡ thương phẩm, hạn chế thiệt hại; Di chuyển số hàu, ngao còn sống chưa đạt kích cỡ thương phẩm sang khu vực ít ảnh hưởng.
– Vệ sinh khu vực nuôi có hàu, ngao chết: cày xới, phơi bãi, bón vôi khử trùng bãi nuôi nhất là ở các vùng đất trũng nhiều bùn đen để khôi phục và ổn định môi trường).
– Tạm dừng các hoạt động thả nuôi hàu, ngao mới vào thời điểm hiện tại.
– Sau mỗi kỳ thu hoạch phải cải tạo bãi nuôi đúng quy trình kỹ thuật để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo (có thời gian phơi bãi, bón vôi khử trùng, không thả liên tiếp gối vụ,…).
– Chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng. Trước khi thả giống cần kiểm tra và loại bỏ những con yếu, chết.
– Mật độ thả nuôi phù hợp theo khuyến cáo của ngành; không nên thả nuôi với mật độ quá cao (mật độ 180-200 con/m2 đối với cỡ giống 400-600 con/kg; mật độ 200 – 250 con/m2đối với cỡ giống 600-800 con/kg; mật độ 250-350 con/m2đối với cỡ giống 800-2.000 con/kg). Không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn.
– Thường xuyên quan sát bãi nuôi, khi có hiện tượng ngao nuôi và môi trường thay đổi cần thông báo ngay cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời./.
Sỹ Công
Nguồn: Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh