(Aquaculture.vn) – Mỗi năm, Việt Nam cần hơn 200.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ để đảm bảo cung cấp hơn 100 tỉ con tôm giống, và 60.000 con tôm bố mẹ để đáp ứng khoảng 40 tỉ con giống tôm sú. Ngoài việc đảm bảo số lượng thì chất lượng con giống và gia hóa tôm bố mẹ được nhà nước quan tâm hàng đầu.
Chưa đáp ứng đủ nguồn giống sạch bệnh
Hiện nay, ở nước ta có hơn 2.200 cơ sở sản xuất giống tôm. Theo kế hoạch phát triển ngành tôm của Bộ NN&PTNT, năm 2020 chúng ta cần gia hóa được 70% tôm thẻ chân trắng giống và 30% tôm sú giống. Đến năm 2030, toàn ngành đảm bảo gia hóa được 100% tôm bố mẹ cho cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên đến thời điểm này hầu hết tôm bố mẹ vẫn được nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Kỳ và Thái Lan. Trong đó, tôm nhập khẩu từ Công ty SIS (Hoa Kỳ) chiếm 65%, Công ty C.P. (Thái Lan) chiếm 20%, còn lại là các đơn vị cung cấp khác chiếm 15%. Đến nay mới chỉ có một số công ty, tập đoàn lớn có thể gia hóa được tôm bố mẹ nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Tập đoàn Việt – Úc đã tự sản xuất được khoảng 25.000 con tôm bố mẹ nhưng cũng chưa đủ cho việc sản xuất giống nội bộ. Công ty TNHH Moana Ninh Thuận gia hóa được 21.000 con sú tôm bố mẹ từ nguồn Postlarvae nhập khẩu. Công ty C.P. Việt Nam sử dụng tôm bố mẹ nhập từ tập đoàn bên Thái Lan. Trước nhu cầu con giống tăng, việc nhập khẩu tôm bố mẹ gặp nhiều khó khăn và chi phí cao. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã nhập khẩu tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, giá rẻ để sản xuất giống. Thậm chí, một số trại còn sử dụng tôm từ ao nuôi thương phẩm để làm tôm bố mẹ, nhằm giảm giá thành mà không quan tâm đến sự nhiễm bệnh và sự sinh sản cận huyết của quần đàn tôm. Năm vừa qua, khi bị thất bại liên tiếp, nhất là đối với bệnh EHP, nhiều người dân cho rằng tôm giống của mình bị nhiễm bệnh ngay từ tôm bố mẹ ở các trại tôm. Thực tế Chaijarasphong và cs (2020) đã chứng minh Vi bào tử trùng không di truyền qua tế bào tuyến sinh dục.
Bài học từ các nước trên thế giới cho thấy, việc chủ động gia hóa tôm bố mẹ đã quyết định đến chất lượng tôm giống và tỉ lệ thành công của nghề nuôi tôm. Điển hình như trường hợp của Ecuador và Thái Lan. Trước đây, Ecuador xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới, nhưng từ năm 2021 đã vươn lên đứng đầu thế giới sau khi gia hóa thành công và chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, vừa giảm giá thành nâng cao khả năng kháng bệnh, nâng cao tỉ lệ thành công lên tới 90% (VASEP, 2023). Thái Lan cũng quan tâm tới hoạt động gia hóa tôm bố mẹ từ rất sớm và đến nay đã trở thành nước chủ động về tôm bố mẹ và xuất khẩu tôm bố mẹ lớn nhất châu Á. Nhờ đó tỷ lệ nuôi tôm thành công của Thái Lan đạt 55% (có thời điểm đạt 80%) trong khi tỉ lệ này ở nước ta chỉ đạt khoảng 40% với tôm thẻ và dưới 20% với tôm sú. Rõ ràng tốc độ gia hóa tôm bố mẹ là rất chậm so với kế hoạch và chất lượng tôm giống ở nước ta chưa đảm bảo. Có thể cho rằng hiện nay chưa có cơ sở nào ở Việt Nam được đầu tư đúng mức để nghiên cứu gia hóa, chọn lọc di truyền và sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao, sạch bệnh (SPF) phục vụ cho sản xuất.
Ở nước ta, nguồn tôm giống sạch bệnh mới chỉ đủ để đáp ứng một phần rất nhỏ vào các hệ thống nuôi công nghiệp mà chưa có các giống tôm kháng bệnh dùng cho các hệ thống nuôi quảng canh, bán thâm canh và các hệ thống nuôi nhỏ. Trong khi đó, nhiều nước đã hoàn toàn chủ động nguồn tôm bố mẹ gia hóa để sản xuất con giống chất lượng cao, sạch bệnh. Tiến xa hơn bước nữa, các giáo sư nhóm BlueGhent (Bỉ) đã có thể tìm ra những cấu trúc gen của tôm tác động đến hệ miễn dịch để từ đó lựa chọn ra những dòng tôm kháng bệnh (SPR). Công ty Benchmark Genetic Columbia cũng tạo ra những đột phá khi nghiên cứu và bắt đầu thương mại hóa các giống tôm kháng bệnh ra thị trường. Bước đầu là giống tôm kháng bệnh có thể kháng với một tác nhân gây bệnh như Đốm trắng, Taura… nhưng tương lai hoàn toàn có thể tạo ra giống tôm kháng nhiều loại bệnh và mở ra tiềm năng lớn hơn cho nghề nuôi tôm. Đây cũng là hướng đi mà các nhà sản xuất tôm giống ở nước ta cần đẩy nhanh tốc độ tiếp cận và phát triển.
Phụ thuộc phần lớn vào nguồn giống từ các cơ sở nhỏ lẻ
Bên cạnh nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh thì kỹ thuật sản xuất và quản lý vệ sinh an toàn sinh học tại các cơ sở sản xuất giống cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Dù EHP không di truyền lây nhiễm dọc nhưng các các tôm post vẫn có thể nhiễm bệnh nếu ăn phải các bào xác do tôm mẹ thải ra. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất giống đều sử dụng quá nhiều kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh và hóa chất cấm khiến cho các vi khuẩn gây bệnh trở nên nhờn thuốc và phát tán ra các vùng nuôi. Kết quả nghiên cứu của Hồ Khánh Duy và cs (2019) tìm thấy 240 chủng vi khuẩn Vibrio spp trong các trại tôm giống ở Khánh Hòa. Điều đáng quan tâm là tất cả các chủng đó kháng với ít nhất 1 loại kháng sinh, 50% số chủng vi khuẩn kháng trên 10 loại kháng sinh, trong đó có 1 chủng kháng với 21 loại kháng sinh thử nghiệm. Bên cạnh đó, tôm được sản xuất bằng các kỹ thuật kích thích cưỡng bức (cắt mắt) có thể ép tôm đẻ đồng loạt nhưng sức sống của con non suy giảm, lớn chậm. Kết hợp với môi trường ương ấp không đảm bảo và sự xuất hiện các chủng vi khuẩn mới kháng thuốc khiến cho người nuôi hứng chịu nhiều rủi ro, tỉ lệ thành công thấp. Vì thế, sản xuất tôm giống ở nước ta cần có những quy hoạch và tiêu chuẩn mới.
Dù người dân xác định chất lượng giống là yếu tố đầu vào quyết định đến sự thành công của nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, xác định chất lượng con giống lại là công việc rất khó “đong đếm”, đặc biệt với điều kiện và trình độ của người dân. Các hộ nuôi thường chỉ lựa chọn chất lượng tôm giống bằng niềm tin vào uy tín của các cơ sở sản xuất giống có thương hiệu lớn như Việt Úc, C.P., Thăng Long… Nhưng năng lực sản xuất của các cơ sở này cũng chỉ đảm bảo được một phần của thị trường. Hiện nay, tập đoàn lớn như Việt-Úc cũng chỉ sản xuất được gần 50 tỉ con tôm giống, đáp ứng 30% nhu cầu tôm giống cho thị trường. Tập đoàn C.P. cũng chủ yếu phục vụ cho các hệ thống trang trại nội bộ. Vì thế, phần lớn người nuôi lại phụ thuộc vào nguồn giống từ các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ.
Khi chất lượng tại trại giống chưa được đồng đều và đảm bảo, vấn đề kiểm soát sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý. Trong khi cơ quan chuyên ngành tỏ ra lúng túng trong phương thức quản lý chất lượng con giống, chỗ thì buông lỏng, chỗ thì chồng chéo nhau, quy định không thống nhất khiến thị trường tôm giống trở nên hỗn loạn. Tôm giống chất lượng kém, không sạch bệnh, cận huyết giá rẻ được tung ra thị trường là nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, dịch bệnh lan tràn gây bất ổn cho nghề nuôi tôm Việt Nam. Với tình hình chất lượng giống tôm chưa đảm bảo như vậy, việc thành công của nghề nuôi tôm phụ thuộc phần lớn vào kỹ thuật chăm sóc; khả năng kiểm soát quản lý ao tôm và những may mắn từ thiên nhiên.
Cần nâng cao quy mô, chất lượng trại sản xuất giống
Để khắc phục vấn đề trên, ngành tôm nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ nghiên cứu gia hóa trong nước tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ khỏe, sạch bệnh và có sức đề kháng cao đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Cải tiến và nâng cao các tiêu chuẩn trại giống. Có thể giảm số lượng trại giống nhưng tập trung nâng cao quy mô, công suất và mức độ đầu tư nâng cấp kỹ thuật để sản xuất ra con giống chất lượng cao. Đồng thời cần chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong quản lý và đảm bảo quyền lợi của các trại giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Song song với quản lý chất lượng giống cần có định hướng trong qui hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp, thúc đẩy quá trình tích tụ đất để xây dựng những trang trại lớn thông qua hình thức hợp tác xã, hiệp hội hay các công ty cổ phần, nhờ đó việc quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn.
TS. Nguyễn Ngọc Tuấn
Giảng viên Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam