Thứ Năm, 22/12/2022, 13:30

Giá cá rô phi tăng đột biến khi nhu cầu vượt quá mức tăng trưởng của nguồn cung

Cá rô phi là một trong những loại sản phẩm đã vượt qua đại dịch một cách đặc biệt tốt, được hưởng lợi từ việc cá rô phi là mặt hàng hải sản giá rẻ, được bán lẻ rộng rãi ở dạng đông lạnh. Mặc dù sản lượng rô phi nuôi được dự kiến sẽ tăng trong năm nay, nhưng do nhu cầu tăng nhanh đã khiến giá tăng vọt.
Ảnh minh họa

Sản lượng

Trong những năm gần đây, tăng trưởng sản lượng rô phi nuôi của toàn cầu đã chậm lại so với xu hướng tăng trưởng dài hạn. Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (the Global Aquaculture Alliance GAA) đã ước tính mức tăng trung bình hàng năm là 2%/năm kể từ năm 2018. Năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 1,2%. Điều này được cho là do một số hạn chế đối với tăng trưởng ở Trung Quốc. Bao gồm cả những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến lao động và dịch vụ hậu cần, thuế quan của Hoa Kỳ, chi phí đầu vào gia tăng và việc tái sử dụng đất ở các vùng nuôi trồng thủy sản trên thế giới.

Cùng với đó, trong năm 2021, một mùa hè nắng nóng đặc biệt đã dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt và thiếu hụt cá giống ở vùng nuôi trồng thủy sản Quảng Đông (Trung Quốc) đã góp phần làm giảm thêm thị phần cá rô phi của Trung Quốc trong nguồn cung toàn cầu. Trung Quốc hiện vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng nhìn chung nhanh hơn các nhà sản xuất quan trọng khác ở Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Bangladesh và Ai Cập cũng có ngành cá rô phi phát triển mạnh, mặc dù hai quốc gia này chỉ tập trung vào cung cấp rô phi cho thị trường nội địa.

Ở Mỹ Latinh, sự mở rộng đặc biệt nhanh chóng của ngành hàng cá rô phi mới nổi của Brazil đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích. Đầu tư của các nhà sản xuất lớn, tích hợp theo chiều dọc và cơ sở hạ tầng được thiết lập xung quanh sản xuất lương thực đang hỗ trợ sản lượng cá rô phi Brazil tăng mạnh hàng năm. Gần đây, sự gia tăng về khối lượng đi kèm với tiến bộ kỹ thuật trong thực hành nuôi cá của Brazil, cùng với sự suy yếu của đồng tiền đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu của Brazil.

Theo Hiệp hội Nuôi cá Brazil (the Brazilian Fish Farming Association – PeixeBR), tổng cộng đã có 534.005 tấn rô phi được sản xuất vào năm 2021, tăng 9,8% so với năm trước. Cá rô phi chiếm 63,5% sản lượng cá nuôi ở quốc gia và đặc biệt loài này được sản xuất ở tất cả các vùng của đất nước, bao gồm cả miền Bắc, nơi từng là trung tâm nuôi cá bản địa truyền thống. Ngoài ra, ở Colombia, sản xuất cá rô phi tiếp tục tăng cường với cam kết đổi mới mạnh mẽ và cách tiếp cận có trách nhiệm với môi trường, được hỗ trợ bởi nhãn xuất xứ hàng hóa mới. Honduras và Mexico cũng tiếp tục theo đuổi tăng trưởng thông qua sự kết hợp giữa tiêu dùng nội địa, bán tại nhà hàng cho khách du lịch và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Thương mại và Thị trường

Những thách thức về dịch vụ hậu cần và các vấn đề khác liên quan chuỗi cung ứng thủy sản trên thế giới nói chung đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và giá cao hơn đối với một số loài hải sản và protein động vật khác tại thị trường Hoa Kỳ, điều này đã thúc đẩy việc tiêu thụ cá rô phi và thúc đẩy doanh số bán hàng tăng. Sự hứng thú của người tiêu dùng đối với mặt hàng cá rô phi tiếp tục tăng lên bất chấp sự đa dạng các sản phẩm cá khác có sẵn trên thị trường thủy sản toàn cầu.

Tổng nhập khẩu cá rô phi đông lạnh của Mỹ tăng nhẹ trong năm 2021, tăng 0,58% về lượng lên 156.669 tấn và tăng 8,7% về giá trị lên 483,8 triệu USD. Trước đó, tăng trưởng trong năm 2020, một năm chịu ảnh hưởng nhiều của đại dịch, là do sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm đông lạnh giá rẻ được bán lẻ trên thị trường và việc dỡ bỏ thuế quan tạm thời đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thể hiện qua sự gia tăng nguồn cung phi lê cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc. Năm 2021, nhu cầu tiêu dùng đã chuyển sang cá rô phi nguyên con đông lạnh, tăng 20% về khối lượng, trong khi đó, khối lượng phi lê đông lạnh lại giảm 6%. Tuy nhiên, phi lê đông lạnh vẫn chiếm 70% tổng nhập khẩu cá rô phi đông lạnh của Mỹ.

Cá rô phi Brazil, chủ yếu được nhập khẩu dưới hình thức đông lạnh, đã trở nên phổ biến hơn ở thị trường Hoa Kỳ, chiếm 64% tổng lượng cá xuất khẩu của Brazil đến Hoa Kỳ. Về lâu dài, Brazil đang tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng cá rô phi, đặc biệt là Brazil đang chờ thị trường EU mở cửa trở lại. Năm 2021, nhờ sự tăng giá của đồng đô la Mỹ so với đồng real của Brazil, Brazil đã xuất khẩu 8.500 tấn cá rô phi trị giá 18,2 triệu USD, chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi nuôi của Brazil.

Theo Liên đoàn Nuôi trồng thủy sản Colombia (the Colombian Federation of Aquaculture – Fedeacua), xuất khẩu cá rô phi trong năm 2021 tăng 13% so với năm trước, lên 13.000 tấn. Trong khi giá trị xuất khẩu cá rô phi từ Colombia tăng vọt (tăng 12 lần) đạt 67,6 triệu USD. Thị trường Mỹ, quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Colombia, là thị trường lớn nhất đối với mặt hàng cá rô phi Colombia, nơi loài cá này được bán trên thị trường như một lựa chọn chất lượng cao và bền vững.

Giá cả

Nhu cầu đối với hầu hết các sản phẩm thủy sản đã phục hồi mạnh mẽ khi các hạn chế về đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ. Cá rô phi cũng được hưởng lợi từ xu hướng này. Kết hợp với các hoạt động tương đối tốt trong thời kỳ đại dịch, mặt hàng cá rô phi đã chứng kiến tình trạng nhu cầu tiêu thụ cá rô phi toàn cầu vượt xa mức tăng trưởng cung với biên độ đáng kể trong 2 năm vừa qua, khiến giá tăng mạnh. Vào tuần 17 năm 2022, giá cá rô phi nguyên con tươi sống tại Quảng Đông, Trung Quốc đạt 8,6 CNY (1,29 USD)/kg, so với mức 5,5 CNY (0,83 USD)/kg vào cuối năm 2019. Đối với hoạt động thương mại, đơn giá nhập khẩu phi lê cá rô phi đông lạnh của Mỹ tăng 7% vào năm 2021, với giá trung bình là 3,48 USD/kg, trong khi giá cá rô phi nguyên con đông lạnh tăng 17,5% lên 1,80 USD/kg.

Dự báo

Theo dự báo mới nhất của Viện Thủy sản Quốc gia (the National Fisheries Institute – NFI), sản lượng cá rô phi toàn cầu được dự báo sẽ tăng 3% vào năm 2022. Con số tăng trưởng tương đối cao này phản ánh sự phục hồi sau đại dịch và nối lại hoạt động kinh doanh bình thường ở phần lớn các khu vực sản xuất trên thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu mạnh và chi phí vận chuyển và chi phí đầu vào tăng cao, dự kiến sẽ tiếp tục đẩy giá cá rô phi tăng lên hơn nữa, cho dù nguồn cung toàn cầu tăng. Tăng trưởng của Brazil có thể sẽ tiếp tục vượt xa đáng kể so với các nhà sản xuất khác đang cạnh tranh với Brazil về nguồn cung và thị phần xuất khẩu, trong khi thị phần của Trung Quốc được dự đoán là sẽ tiếp tục giảm.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Nguồn: Tổng cục Thủy sản