Việc sử dụng thảo dược trong nuôi trồng thủy sản rất có tiềm năng thay thế cho thuốc kháng sinh hay thuốc tăng cường miễn dịch và nhiều công hiệu khác.
Thảo dược trong nuôi trồng thủy sản
Hiện nay, thảo dược đã trở thành mối quan tâm của nhiều lĩnh vực, trong đó chúng là chủ đề nghiên cứu của nhiều quốc gia trên toàn cầu trong lĩnh vực thủy sản, như Ai Cập, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria và Thái Lan, Việt Nam… Thảo dược (cây dược liệu) có thể là từ lá, vỏ, củ, rễ, hạt, cây thân cỏ và dây leo. Chúng là nguồn nguyên liệu thực vật giàu hoạt chất sinh học, có thể được sử dụng nguyên chất hay được ly trích và cũng có thể được sử dụng làm mẫu cho quá trình sản xuất thuốc tổng hợp.
Hiện nay, việc sử dụng các chất chiết xuất thảo dược đang được quan tâm tìm hiểu để sử dụng hiệu quả trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Chất chiết xuất thảo dược được ghi nhận như liệu pháp thay thế một số loại thuốc và hóa chất trong ngành nuôi trồng thủy sản. Thảo dược có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, phổ kháng khuẩn rộng đối với nhiều tác nhân gây bệnh, có tác dụng hiệp đồng mà không gây ra hiện tượng kháng khuẩn. Nguyên liệu thảo dược thô có sẵn tại địa phương nên ít tốn kém, dễ chuẩn bị và phân hủy sinh học mà không có tác động bất lợi cho môi trường. Bên cạnh đó, thảo dược còn có nhiều ưu điểm như dễ chuẩn bị, không tốn nhiều chi phí, không ảnh hưởng đến môi trường. Thảo dược mang lại hiệu quả phòng bệnh cao do dễ hấp thu, ít tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh, không gây độc cho đối tượng nuôi vì dễ phân hủy hơn các hợp chất tổng hợp, ít có khả năng kháng thuốc do sự đa dạng của các hợp chất chiết xuất trong thực vật.
Theo thống kê từ các báo cáo khoa học cho thấy có hơn 250 loài thực vật được nghiên cứu ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có 32 bộ và 75 họ đã được báo cáo là có hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Phổ biến nhất ở bộ húng Lamiales đặc biệt ở họ húng Lamiaceae, tiếp theo là bộ đậu Fabales với họ đậu Fabaceae, bộ cúc với họ cúc Asteraceae chiếm và bộ sơ ri Malpighiales với họ diệp hạ châu Phyllanthaceae và họ đại kích Euphorbiaceae.
Một số chức năng cơ bản của chất chiết xuất thảo dược sử dụng trong nuôi trồng thủy sản
Hoạt tính kháng vi khuẩn
Hoạt tính kháng virus
Hoạt tính kháng nấm
Hoạt tính kháng ký sinh trùng
Khả năng kích thích miễn dịch
Kiểm soát tăng trưởng
Thảo dược như chất chống oxy hóa
Thảo dược như tá chất cho quá trình tạo vaccin
Thảo dược hoạt động như yếu tố chống stress
Thảo dược hoạt động như chất kích thích sự thành thục
Một số hợp chất được cô lập từ thực vật có hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản
Một số hợp chất có khả năng kháng khuẩn được tìm thấy phổ biến trong thảo dược như phenol, polyphenols, alkaloids, quinones, terpenoids- steroids, lectine, polypeptides và tinh dầu. Một số hợp chất phenolics, polysaccharides, proteoglycans và flavonoid đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa hoặc kiểm soát quá trình lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, một số loại thảo dược có hàm lượng protein thực vật rất cao, tiềm năng tạo nguồn nguyên liệu protein trong tương lai đối với nghề nuôi trồng thủy sản.
Alkaloids là nhóm các hợp chất thiên nhiên có chứa nitơ (N). Alkaloid được tổng hợp nhiều nhất ở thực vật, đặc biệt ở cây có hoa, loại hai lá mầm. Tuy nhiên, một cây được xem là có chứa alkaloid thì phải chứa ít nhất 0,05% alkaloid so với mẫu cây khô. Flavonoid là những hợp chất màu phenol thực vật, tạo nên màu cho rau, quả, hoa, … Phần lớn các flavonoid có màu vàng, một số flavonoid có màu xanh, tím đỏ và cũng có một số khác lại không có màu. Steroid là một loại hợp chất hữu cơ với sự sắp xếp đặc trưng của bốn vòng cycloalkane nối với nhau. Alkaloids có thể hoạt động như một chất chuyển giao hóa học hoặc điều chỉnh sinh lý. Flavonoid cũng có thể hoạt động như các chất ức chế tế bào. Nhóm Steroid được sản xuất ở các tế bào từ các sterol lanosterol (động vật và nấm) hoặc từ cycloartenol (thực vật).