Ông Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) là người tiên phong nuôi cá tầm giữa núi rừng Khe San, sau lứa đầu đã gần thu hồi đủ vốn đầu tư.
Cá tầm là loài cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), một người đàn ông dân tộc thiểu số đã tiên phong nuôi cá tầm thành công, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ đường quốc lộ vào khu nuôi cá trong rừng của ông Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) khoảng 5km nhưng đi lại rất vất vả vì đường hẹp, dốc và nhiều đá sỏi. Được cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi có chuyến hành trình băng suối, xuyên rừng với đủ các loại phương tiện từ ô tô cho đến xe máy, cuốc bộ để tới điểm nuôi giống cá nước lạnh đặc biệt này.
Đây là nơi ông Mạ mất khoảng một năm khảo sát, tìm kiếm vì có vị trí thuận lợi, cây cối bao bọc xung quanh giúp điều hòa không khí ở vùng núi rừng Khe San. Tại đây, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ quyết định đào ao khởi nghiệp. Trên diện tích khoảng 7.000m2, 6 ao nước lớn hình thành theo mô hình bậc thang, mỗi ao rộng chừng 300m2, sâu hơn 1m. Trong đó, 5 ao được phủ bạt lót đáy nuôi cá, một ao để điều tiết nước. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng.
Đầu năm 2021, khoảng 6.700 con cá tầm giống dài hơn 10cm, có giá 25.000đ/con được nhập từ Sapa về thả vào ao. Tuy nhiên, việc nuôi loại cá này không hề dễ dàng. “Trước đây, tôi là thợ mộc đã hơn 20 năm, công việc vất vả mà không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên tôi quyết định chuyển sang nuôi cá tầm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết liên tục, tôi đã phải lên Bình Liêu học hỏi cách làm để về áp dụng cho mô hình”, ông Mạ nhớ lại.
Qua quá trình học tập, ông Mạ nhận thấy ao cá của mình tuy có nguồn nước tươi mát nhưng chưa có hệ thống nước ra vào hợp lý. Nước không được thay liên tục khiến ao nhanh ô nhiễm, thiếu oxy.
Để khắc phục, ông Mạ đặt hệ thống ống dẫn sát đáy để nước ra vào theo hình thác nước. Nước từ trên suối sẽ luân chuyển liên tục vào các ao nuôi như thác tự nhiên, làm tăng lượng oxy trong nước và đảm bảo nhiệt độ từ 18 đến 27 độ C. Tạp chất được lắng lại ở ao nằm ở vị trí thấp nhất rồi mới tháo ra ngoài.
Dù có hệ thống lấy nước từ suối tự động nhưng ông Mạ cũng phải ăn ngủ tại căn nhà tạm cạnh ao nuôi để kịp thời xử lý khi có sự cố. Theo ông Mạ, khi trời mưa lớn, nước có thể bị đục. Lúc đó, phải lên đầu nguồn kiểm tra, cần thiết thì đóng ống lấy nước, nếu không ao cá sẽ bị bẩn. Hay khi trời nắng, nhiệt độ nước lên cao vượt ngưỡng cho phép, cá sẽ chết. Vì vậy, phải điều chỉnh ống để nước ra vào hồ nhanh hơn, giảm nhiệt độ trong ao.
Thức ăn chủ yếu cho cá là cám, giúp cá lớn nhanh và hạn chế được dịch bệnh. Sau hơn một năm, cá đã đạt từ 2 đến 3kg/con, có thể xuất bán. “Lứa đầu tiên tôi xuất bán được 2 tấn cá, với giá hơn 200.000đ/kg, thu về hơn 400 triệu đồng, gần đủ số vốn đã bỏ ra”, ông Mạ phấn khởi.
Hơn 1 năm nay, ngày cũng như đêm, ông Mạ một mình canh cá, cắm chốt tại trang trại, thi thoảng mới về nhà hoặc đón khách đến tham quan vì không tìm được nhân công có kinh nghiệm chăm sóc cá tầm.
“So với trồng rừng thì nuôi cá kinh tế hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa, mô hình này cũng giúp tôi kết nối nhiều ý tưởng làm du lịch đã ấp ủ bấy lâu, từ đó phát triển kinh tế tại địa phương, tạo việc làm cho người dân. Đó là lí do khiến tôi quyết tâm nuôi cá tầm ở xã vùng cao, cũng chính là nơi chôn rau cắt rốn này”, ông Mạ chia sẻ.
Thời gian gần đây, người tìm đến đặt mua cá ngày càng nhiều nhưng ông Mạ chưa bán hết do mùa đông là thời điểm cá phát triển ổn định nhất. Bên cạnh bán buôn, ông Mạ đã xây một nhà sàn làm địa điểm bán các món ăn từ cá tầm do chính mình nuôi, phục vụ du khách đến thác Khe San, một điểm tham quan, du lịch trải nghiệm mới đang được nhiều người tìm đến.
Bà La Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ cho biết: “Xã đánh giá cao mô hình nuôi cá tầm và tư duy mạnh dạn làm du lịch của anh Trần Văn Mạ. Hi vọng sự tiên phong, mạnh dạn này sẽ tạo những điểm nhấn giúp địa phương phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch”.
Nguyễn Thành
Báo Nông nghiệp