Thứ Hai, 7/11/2022, 11:38

Liên kết sản xuất chuỗi giá trị: Giúp con tôm phát triển ổn định

Là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành các hợp tác xã (HTX) và liên hiệp các HTX để liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị bền vững cho con tôm đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Nhiều lợi ích cho các bên liên kết

Nếu Nông nghiệp đóng vai trò là “trụ đỡ” quan trọng của tỉnh, đóng góp lớn trong việc duy trì tăng trưởng của tỉnh thì con tôm được xem là mũi nhọn của phát triển kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 298 trang trại thủy sản và 138 HTX nông nghiệp với 8.497 thành viên, vốn điều lệ gần 126 tỷ đồng. Thời gian qua, nhiều dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững đã được hình thành; ngành Nông nghiệp cũng triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất theo hướng liên kết. Theo đó, có 8 HTX, 2 tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản có diện tích gần 5.000ha, sản lượng bao tiêu đạt trên 12.000 tấn tôm.

Có thể kể đến như Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (TX. Giá Rai) liên kết bao tiêu hơn 200ha tôm nuôi công nghệ cao. Ông Trần Văn Diệu – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long, cho biết: “Thực hiện chuỗi giá trị liên kết, từ đầu năm đến nay, Công ty đã bao tiêu 200ha tôm công nghệ cao với gần 2.000 tấn tôm. Trong đó, hợp đồng bao tiêu tôm cho HTX Thành Đạt (huyện Đông Hải) 1.000 tấn tôm và bao tiêu cho 2 nông hộ ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) gần 1.000 tấn tôm”. Còn HTX Ba Mến (xã An Trạch A, huyện Đông Hải) nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến với diện tích 156ha của 58 hộ đã liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với Công ty XNKTS Tấn Khởi (TX. Giá Rai). Hình thức hợp tác là công ty hỗ trợ tôm giống với số lượng 20.000 con/ha và vi sinh cho xã viên, đồng thời hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn cho HTX đăng ký cấp giấy chứng nhận ASC.

Công ty XNKTS Tấn Khởi (TX. Giá Rai) tham gia bao tiêu sản phẩm cho các HTX nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc liên kết sản xuất thời gian qua đã mang lại hiệu quả khả quan. Liên kết trở nên bền vững khi nhận thức và trách nhiệm của người dân được nâng cao. Người dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia các THT và HTX, không chạy theo lợi nhuận phá vỡ hợp đồng liên kết. Các THT, HTX thì tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất cho xã viên; giảm tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Các xã viên cũng có người đại diện hợp pháp, đủ tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Trong chuỗi liên kết, người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thủy sản từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi; đồng thời bán trực tiếp con tôm cho doanh nghiệp chế biến, đóng gói. Qua đó đã góp phần giảm thiểu nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm…

Nâng cao chuỗi giá trị

Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị liên kết hướng đến chất lượng và đảm bảo xuất khẩu, Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết ngành Tôm. Trong thời gian tới, tỉnh đã quy hoạch xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao diện tích 27.200ha, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 4.000ha tại TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và Đông Hải; vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 8.000ha tại TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Đông Hải. Ngoài ra còn có vùng nuôi luân canh tôm sú – lúa 8.000ha tại huyện Phước Long, Hồng Dân, TX. Giá Rai; vùng nuôi tôm càng xanh toàn đực 2.500ha tại huyện Hồng Dân; vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng ổn định với diện tích 4.700ha tại các huyện Hòa Bình và Đông Hải.

Tỉnh cũng mời gọi các công ty chế biến xuất, nhập khẩu thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với các HTX, THT, trang trại có quy mô lớn ở các mô hình nuôi tôm, trong đó ưu tiên tập trung mô hình nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh.

Phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã và thành phố xây dựng ít nhất một mô hình hoặc vùng sản xuất nông nghiệp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, ASC, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sản xuất hữu cơ… Phấn đấu có ít nhất 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và 5 HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và vùng sản xuất tôm giống tập trung mới 150ha tại xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) để góp phần xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến về tôm của cả nước.

Minh Đạt

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu