Thứ Bảy, 5/11/2022, 11:36

9X làm giàu từ nhân giống lươn đặc sản xứ Nghệ

Thay vì mua con giống cho mỗi lứa nuôi mới như nhiều người khác, chàng trai “9X” Nguyễn Trọng Lương ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương lại quyết tâm gây giống từ chính những con lươn tự nhiên ở đồng ruộng quê nhà. 

Khu vực nuôi lươn của chàng trai “9X” Nguyễn Trọng Lương nằm bên cạnh con đường chính gần trung tâm của xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Giữa hàng chục bể xi măng, “ông chủ” Lương đứng lọt thỏm giữa lối đi. Thời điểm đầu tháng 11/2022, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn giống và lươn thương phẩm của anh Lương, đang có một vài vị khách đến từ tỉnh Hải Phòng trao đổi về hợp tác làm ăn, mua con giống từ gia trại của Lương.

Mỗi bể nuôi lươn không bùn sau 5 – 6 tháng cho thu hoạch 3-5 tạ lươn thịt. Ảnh: Hoài Thu

Nguyễn Trọng Lương vừa thoăn thoắt gỡ từng búi dây dành cho lươn trú ngụ, vừa giới thiệu quy trình và cách nuôi, rồi những nguồn thu nhập khá từ loài đặc sản của đồng quê xứ Nghệ, những vị khách đến từ Hải Phòng liên tục gật đầu, dường như bị cuốn theo sự đam mê làm giàu của chàng trai này.

“Những bể lươn này đã nuôi được hơn 6 tháng, đã có thể xuất bán. Nếu nuôi đúng mật độ thì mỗi bể cho thu hoạch từ 5 -7 tạ lươn thành phẩm; trọng lượng trung bình khoảng 200 – 300g/con, tùy thuộc mức độ chăm sóc và mật độ nuôi” – Nguyễn Trọng Lương cho biết. “Vậy nguồn giống để đầu tư cho hơn 41 bể nuôi ở đây lấy từ đâu? – Chúng tôi hỏi “ông chủ 9X”, thì được cho biết “em bắt lươn đồng quê mình rồi nuôi, lấy trứng nhân giống. Từ ít thành nhiều, nay em đã có thể tự cung nguồn lươn giống và có bán”.

Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Đô Lương (giữa) thăm mô hình nuôi lươn của Nguyễn Trọng Lương. Ảnh: Hoài Thu

Mô hình nuôi lươn không bùn ở Nghệ An không phải là hiếm, đã có nhiều người ở nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đối với việc các hộ nuôi tự nhân giống, tự gây dựng nguồn cung cấp giống cho chính mô hình của mình, rồi phát triển thành một nguồn hàng hóa thì Nguyễn Trọng Lương là người mạnh dạn thực hiện trước và đã thành công.

Bằng quyết tâm và những gắn bó với loài đặc sản của quê hương, anh Lương đã sử dụng nguồn lươn tự nhiên để thuần dưỡng, cho sinh sản để tạo nguồn cung cấp giống cho sản xuất, nhờ thế giảm được nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, Nguyễn Trọng Lương cũng chia sẻ, để có thể có nguồn giống ổn định và cho chất lượng lươn thịt như hiện nay cũng đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm.

Từ 20 bể nhân giống lươn đồng đặt tại vườn của gia đình, khi đã có đủ nguồn cung cấp giống, Nguyễn Trọng Lương đã mở rộng thêm “cơ sở 2” tại gia trại ven trục đường chính của xã Tân Sơn. Số lượng được tăng thêm 41 bể nuôi lươn không bùn và 20 bể nhân giống. Mỗi bể xi măng được lót tấm bạt nhựa dày dặn và dùng nước ở ao để thả khoảng 3.000-4.000 con lươn giống; sau khoảng 6 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch 5-6 tạ/bể. Các bể được thả giống theo từng đợt để đảm bảo xuất bán sỉ số lượng lớn, chủ yếu là bán cho các cơ sở chế biến lươn ở huyện Yên Thành.

Còn đối với lươn giống được nuôi ở khu vực riêng. Sau khi lươn đẻ trứng vào các ổ nhân tạo, trứng sẽ được đưa lên bể ấp. Lươn giống được bán theo giá từ 1.500 – 3.000 đồng/con tùy trọng lượng và thời gian nuôi. Lượng giống trên 1 kg thì loại đã nuôi 3 tháng tương đương mức giá khoảng 5.000 đồng/con; nuôi 1 tháng thì giá thấp hơn, 1.500 – 2.000 đồng/con.

Anh Nguyễn Trọng Lương (bên trái) giới thiệu kỹ thuật nhân giống lươn đồng trước khi đưa vào bể nuôi đại trà. Ảnh: Hoài Thu

Ông chủ “9X’ Nguyễn Trọng Lương cũng cho biết thêm, sau 4 năm quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà Tân Sơn, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, sự quan tâm của chính quyền, Hội Nông dân xã nên việc kinh doanh đã dần ổn định. “Sắp tới em dự định sẽ mở rộng quy mô thêm các bể nuôi, đồng thời thử nghiệm nuôi thêm các loài đặc sản khác có sẵn ở quê nhà như ốc bươu”, anh Lương cho biết.

Hoài Thu

Báo Nghệ An

 

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương cũng khẳng định, hiện nay huyện đang khuyến khích và hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGAP như cách làm của anh Nguyễn Trọng Lương và một số mô hình ở xã Tân Sơn và các xã khác.

Trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có 310 trang trại, gia trại, trong đó, có 16 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về thủy sản, toàn huyện ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng gần 1.500 ha. Chủ yếu nuôi các đối tượng cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép).

Những năm gần đây nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích nuôi các đối tượng đặc sản như lươn, ếch, ba ba, ốc bươu đen. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt gần 3.000 tấn, trong đó khai thác 100 tấn, nuôi trồng 2.900 tấn.