Ngành nuôi tôm công nghệ cao đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn so với cả nước. Bên cạnh sản lượng tôm đưa ra thị trường lớn thì việc đối mặt với tình hình dịch bệnh là không tránh khỏi.
1. Ảnh hưởng của ngoại ký sinh đến sức khỏe tôm
Định nghĩa ngoại ký sinh trùng: là sinh vật sống ký sinh trên bề mặt cơ thể vật chủ trong từng giai đoạn hay suốt đời.
Điều kiện phát triển: ngoại ký sinh trên tôm thường xuất hiện nhiều trong các ao nuôi bẩn, nhiều chất hữu cơ lơ lửng. Trong ao, vi khuẩn, tảo đơn bào và protozoa nhỏ hơn là nguồn thức ăn của chúng.
Tác hại của ngoại ký sinh trùng:
Bám vào mang, ngăn dòng nước chảy qua mang, làm cản trao đổi khí của tôm.Bám vào vỏ gây khó lột xác, khó di chuyển và tôm bắt mồi không hiệu quả.Chúng làm bề mặt phụ bộ tôm tổn thương, gây ra vết thương tạo cơ hội cho tác nhân cơ hội như vi khuẩn Vibrio xâm nhập gây bệnh cho tôm.Vài loài ngoại ký sinh trùng có khả năng tạo ra độc tố gây tổn thương tế bào vật chủ.
Ngoài ra, khi mật độ ngoại ký sinh bám quá nhiều làm tôm có xu hướng tăng cường lột xác để tự làm sạch. Khi đó, ngoại ký sinh trùng có thể trở lại dạng sống tự do trong nước và tiếp tục tái bám vào tôm vừa lột xong. Đây là cơ hội để các tác nhân gây bệnh khác tấn công vào cơ thể tôm làm tôm nhiễm bệnh nặng hơn.
Lưu ý: Lột xác là quá trình tốn hao năng lượng, nếu tôm bị kích thích lột xác trong điều kiện nước xấu sẽ rất yếu và dễ nhiễm các bệnh khác.
2. Một số loại ngoại ký sinh là tác nhân gây bệnh
(1) Protozoa (động vật đơn bào): Epistylis, Zoothamnium, Tokophrya, Acineta, Vorticella là ký sinh trùng đơn bào dạng hình loa kèn, chúng có thể sống đơn lẻ hoặc hình thành tập đoàn, kích thước tế bào nhỏ khoảng từ 60-100 mm. Phía trước cơ thể có 1-3 vòng lông xung quanh khe miệng, phía sau có cuống bám vào bất kỳ giá thể nào.
(2) Vi khuẩn: các vi khuẩn dạng sợi, gram âm như Leucothrix mucor, Leucothrix spp . Vi khuẩn dạng sợi nhỏ và chuỗi như Flavobacterium sp., Cytophaga sp., Flexibacter sp., Vibrio sp., Spirochetets…
(3) Tảo: tảo silic lông chim như Nitzchia spp, Amphiprora spp và Navicula spp ; tảo lục; tảo mắt; tảo lam như Spirulina subsala, Lyngbya, Schizothrix spp.
3. Phòng bệnh ngoại ký sinh
Giảm 20% lượng thức ăn, thay 20 – 30% nước (rút nước đáy, bơm nước mặt)
Tiến hành diệt khuẩn trong nước và ngoại ký sinh: có thể dùng BKC với liều 0.5 – 1 lít/1000m3 (dùng vào buổi trưa để tăng hiệu quả) hoặc dùng H2O2 với liều 4-5 lít/1000m3 (dùng đối với ao có độ cứng và độ kiềm thấp, ao có pH<8.3). Có thể lặp lại sau vài ngày nếu mật độ ngoại sinh vật bám trên tôm chưa giảm.
Nếu đáy dơ, đen, nhiều bùn nhão thì xử lý thêm oxy viên 1 – 2 kg/1000m3 vào ban ngày, trong vài ngày liên tục để oxy hóa nền đáy.
Tongwei