Thứ Bảy, 1/10/2022, 13:45

Biện pháp phòng, chống bệnh mới do Tilapia lake virus gây ra trên cá rô phi

Cá rô phi (Oreochromis spp) là một trong những loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế, được nuôi phổ biến với nhiều hình thức như nuôi đơn, nuôi ghép, nuôi thâm canh trong ao, hồ hoặc lồng bè. Trong quá trình nuôi, cá thường nhiễm một số bệnh gồm: Bệnh xuất huyết do vi khuẩn gram dương Streptococcus iniae; bệnh xuất huyết do vi khuẩn gram âm Aeromonas hydrophila; bệnh do vi khuẩn Flavobacterium columnare; bệnh trùng quả dưa – Ichthyophthyrius; bệnh trùng bánh xe – Trichodina; bệnh sán lá đơn chủ – Gyrodactylus; bệnh rận cá – Cligus; bệnh nấm.

Tilapia lake virus (TiLV) gây bệnh trên cá rô phi với tỉ lệ chết lên đến 90%

Mới đây một số địa phương ở nước ta, trong đó có Bắc Ninh đã phát hiện một loại virus mới có tên Tilapia lake virus (TiLV) gây bệnh trên cá rô phi, có thể gây chết cá với tỷ lệ lên đến 90%.

Nhằm giúp người dân, cơ sở nuôi cá rô phi có thêm thông tin về bệnh TiLV để có biện pháp phòng, chống và chủ động ứng phó nguy cơ dịch bệnh do TiLV bùng phát, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, tiêu thụ cá rô phi, chúng tôi cung cấp một số thông tin và khuyến cáo biện pháp phòng, chống bệnh TiLV như sau:

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Bệnh TiLV trên cá rô phi xảy ra ở mọi lứa tuổi, kích cỡ và đặc biệt nghiêm trọng ở cá giống. Cá rô phi nhiễm bệnh có tỷ lệ chết từ 20 – 90% chủ yếu ở giai đoạn nhỏ từ 01- 03 tháng tuổi. Bệnh này lây lan theo chiều ngang, từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ, đặc biệt là qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nơi này qua nơi khác.

Cá mắc bệnh có biểu hiện kém ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Các dấu hiệu bên ngoài có thể có, gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn.

2. Biện pháp phòng, chống dịch bệnh

– Mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản của cơ quan có thẩm quyền.

– Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi từ các ao, lồng bè nuôi đã bị bệnh sang các ao, vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan.

– Thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường nước ao, lồng bè (pH, nhiệt độ, oxy). Hằng ngày phải quan sát biểu hiện hoạt động của cá nuôi, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng hay thời điểm dao động nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm; chú ý các hiện tượng có thể xảy ra đối với cá nuôi trong ao, lồng như: cá bỏ ăn, thay đổi tập tính bơi lội, ngừng kéo đàn…

– Tránh gây sốc hoặc làm sây sát cá trong quá trình nuôi và vận chuyển. Định kỳ 7 – 10 ngày bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn của cá với lượng 20 – 30 mg/kg cá/ngày nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.

– Đối với nuôi lồng bè, khi ở khu vực nuôi thấy xuất hiện bệnh, cần cách ly những lồng bị bệnh bằng cách kéo lồng xuống vị trí cuối dòng nước chảy, loại bỏ những cá bệnh ra khỏi lồng.

– Không xả nước, chất thải từ ao, bể nuôi có cá mắc bệnh chưa được xử lý; không vứt bỏ cá chết, cá mắc bệnh ra môi trường xung quanh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

– Sử dụng thuốc thú y thủy sản và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định.

3. Phương pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra

Khi ao, lồng nuôi có cá chết nhiều với biểu hiện mô tả tương ứng bệnh do TiLV gây ra; người dân, cơ sở nuôi cần báo ngay cho nhân viên thú y xã để áp dụng các biện pháp điều trị, thực hiện khử trùng tại nơi xảy ra dịch; đồng thời cơ sở nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý cá chết đúng cách để tránh ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh dịch.

– Sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy cá bị bệnh phải khử trùng nước trong ao nuôi; khử trùng các thiết bị, dụng cụ (lồng nuôi, vợt, xô, chậu…); xử lý nền đáy ao, bể để tiêu diệt mầm bệnh và các vật chủ trung gian truyền bệnh.

– Những người tham gia quá trình xử lý ao nuôi, tiêu hủy cá mắc bệnh phải vệ sinh cá nhân sau khi thực hiện.

– Việc tiêu hủy cá chết cần tuân thủ theo quy định, với các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị khu cách ly và hố xử lý

– Yêu cầu khu cách ly: Phải được đặt ở vị trí khô ráo, cách khu vực nuôi, nguồn nước cấp, nhà ở và nguồn nước sinh hoạt tối thiểu 50m.

– Yêu cầu hố xử lý:

+ Có thể thiết kế hố đất hoặc bể xi măng có hình vuông hoặc hình chữ nhật, sâu tối thiểu 1m; tùy theo số lượng cá chết cần tiêu hủy mà thiết kế hố xử lý có kích thước phù hợp. Ví dụ: nếu cần chôn 1 tấn cá thì hố xử lý cần có kích thước là 1,5-2m (sâu) x 1,5 – 2 m  (rộng) x 1,5 – 2 m (dài).

+ Đối với hố đất: Xung quanh và đáy hố phải được lót kín bằng các vật liệu không thấm nước (như bạt nilon); trên miệng hố phải có nắp đậy kín và có hàng rào để ngăn chặn động vật xâm nhập, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Bước 2: Vớt toàn bộ cá chết ra khỏi ao ngay khi phát hiện bằng vợt chuyên dụng và cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đáy kín và có nắp đậy. Vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý.

Bước 3: Tiêu hủy bằng hóa chất

– Loại hóa chất: Sử dụng các hóa chất có tác dụng tiêu độc khử trùng mạnh thuộc Danh mục hóa chất được phép sử dụng như: Chlorine, formol, thuốc tím, vôi bột.

– Cách tiêu hủy: Rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1 kg/m2), đổ cá chết vào, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên, lấp đất; lớp đất phủ lên động vật thủy sản phải đảm bảo độ dày ít nhất là 1m. Phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chôn lấp./.

 

 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh