Chỉ với tổng diện tích 132 m2 bể nuôi lươn không bùn nhưng với cách nuôi khoa học, độc lạ mỗi năm gia đình anh Ngô Sỹ Quân ở xóm 6, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thu lãi hơn 600 triệu đồng từ bán lươn thương phẩm. Đây cũng là mô hình nuôi lươn không bùn thành công đầu tiên ở Quỳnh Đôi.
Luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nên anh Ngô Sỹ Quân khá năng động trong phát triển kinh tế, với nhiều nghề khác nhau. Đặc biệt, sau nhiều chuyến thăm quan, đúc kết kinh nghiệm, kỹ thuật anh Quân đã mạnh dạn chọn mô hình nuôi lươn không bùn để đầu tư.
Đầu năm 2021, anh đã bắt tay vào xây dựng 22 bể vuông, mỗi bể có diện tích 6 m2, được lát gạch xung quanh và dưới đáy bể nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển.
Sau khi hoàn thành việc xử lý sát khuẩn bể, anh đã chọn mua 10.000 con giống lươn bán nhân tạo, với đủ các loại kích cỡ từ 500 – 2.000 con/kg ở phía Nam về thả nuôi. Nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên anh gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình thả nuôi con giống.
Anh Quân chia sẻ: Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt thì trước tiên khi làm trại nuôi phải chú trọng đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa Hè, che chắn tạo độ ấm vào mùa Đông.
Đồng thời, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nuôi, vì vậy mỗi ngày anh tiến hành thay nước 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng và chiều. Nguồn nước được lấy từ kênh mương nên trước khi cho vào bể nuôi anh thường đưa nước vào bể chứa qua hệ thống lọc có chứa than, cát, đá để lọc các thành phần tạp chất như phèn sắt… Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho vật nuôi ăn thức ăn để tránh bị sốc.
Bên cạnh đó, anh luôn chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp ở lươn như sốt xuất huyết đường ruột, nấm, đi ngoài… bằng cách hòa kháng sinh khoát lên bề mặt bể. Điều đặc biệt là mỗi ngày anh đều cho lươn nghe nhạc giúp vật nuôi làm quen với âm thanh lạ, nhằm tránh sốc tiếng động, bị giật thột dẫn đến đột tử.
Trong quá trình nuôi anh Quân nhận thấy lươn là loại con rất dễ nuôi, cách chăm sóc không cầu kỳ như những con vật khác, tỷ lệ con giống sống đạt trên 97% và đặc biệt có giá trị kinh tế cao.
Sau 12 tháng, lươn thương phẩm đạt trọng lượng từ 3 – 4 lạng/con, với chiều dài 55 – 60 cm thì anh tiến hành xuất bán. Ở trại nuôi của anh khi thương lái ở các tỉnh phía Bắc vào mua sản phẩm luôn kiểm nghiệm xem trong lươn có tồn dư chất tăng trọng, hoóc môn sinh trưởng, kháng sinh hay không, nếu đạt chuẩn thì họ mới tiến hành thu mua, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhờ tuân thủ các bước chăm sóc nên một năm anh Quân xuất bán ra thị trường từ 6 – 7 tấn lươn, với giá nhập 170 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí cho anh thu lãi từ 30 – 35 triệu đồng/bể chỉ với 6m2. Để hạn chế sản phẩm có nhiều cùng một thời điểm, anh Quân đã chọn cách nuôi luân phiên cuốn chiếu, mỗi bể khi thu hoạch thường cách nhau 2 tháng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm mạnh, anh Quân dự định tiếp tục mở rộng quy mô, tăng số bể nuôi lươn không bùn. Ngoài ra, anh sẵn sàng chia sẻ cách xây dựng bể, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng trị bệnh và cung ứng giống cho những người dân có nhu cầu nuôi lươn bán nhân tạo, để phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi tại địa phương.
“Nuôi lươn không bùn của gia đình anh Ngô Sỹ Quân là một mô hình mới và có giá trị kinh tế cao ở xã Quỳnh Đôi. Qua khảo sát, nắm bắt tại mô hình loại con này dễ nuôi, cho năng suất cao, nhất là đầu ra, giá cả đảm bảo ổn định và chất lượng lươn khi xuất bán được kiểm nghiệm; giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại đối tượng con nuôi khác. Về phía UBND xã sẽ phối hợp với Hội Nông dân tổ chức cho bà con có nhu cầu nuôi đi thăm quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích” – ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Hồng Diện
Báo Nghệ An