Từ các thảo dược quen thuộc, nhóm tác giả ở Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ đã nghiên cứu, sử dụng để phòng trị bệnh do liên cầu khuẩn trên cá rô phi, có thể dùng để thay thế các loại thuốc kháng sinh hay hóa chất.
Vì vậy, nhóm tác giả ở Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Nam Bộ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phòng trị bệnh do liên cầu khuẩn Streptococcus agalactiae bằng thảo dược trên cá rô phi giống nuôi tại TPHCM”.
Từ các kết quả nghiên cứu trong nước về tác dụng của các hoạt chất của thảo dược, nhóm tác giả lựa chọn vỏ quế, lá chùm ngây, lá xuyên tâm liên, củ hành tím, cây diếp cá, cây tía tô, lá lốt, củ gừng để nghiên cứu phòng trị bệnh do liên cầu khuẩn Streptococcus agalactiae trên cá rô phi. Các loại thảo dược này đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn mạnh trên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, trong đó có Streptococcus agalactiae. Từ các thảo dược trên, nhóm sử dụng phương pháp chiết xuất ngấm kiệt, sau đó cô đặc dịch chất thành từng dạng cao lỏng.
Qua thử nghiệm các cao thảo dược trên cho thấy, cao chiết từ quế có khả năng kháng khuẩn đối với vi khuẩn Streptococcus agalactiae đạt hiệu quả cao nhất, tương đương kháng sinh Doxycycline. Thức ăn cho cá rô phi giống có trộn thảo dược cao quế ở hàm lượng 20g dược liệu thô/kg thức ăn, cho thấy khả năng bảo vệ cá rô phi gây nhiễm bởi Streptococcus agalactiae trên 51% (trong phòng thí nghiệm) và tỷ lệ cá sống 85% trong ao nuôi thí nghiệm có vi khuẩn Streptococcus agalactiae. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao chiết từ quế có thể bổ sung vào thức ăn, giúp hạn chế bệnh liên cầu khuẩn cho cá rô phi, các loại thủy sản khác và an toàn cho người sử dụng.
Từ các kết quả thử nghiệm, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình chiết xuất dược liệu quế bằng phương pháp ngấm kiệt ở quy mô pilot; quy trình phòng trị bệnh xuất huyết, lồi mắt trên cá rô phi giống sử dụng cao quế trộn vào thức ăn. Nhóm tác giả đang tiếp tục nghiên cứu điều chế cao thành phẩm ở dạng khô và có kích thước nano.
Kiều Anh
Theo Khoa học và Phát triển