Những năm qua, xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, đáp ứng yêu cầu nuôi trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… Hiệu quả kinh tế mang lại từ các mô hình nuôi trồng thủy sản đã góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Với diện tích 164,6 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 95,5 ha và các hộ ngoài đê nuôi chủ yếu tôm sú, cua, cá… Đối với các hộ nuôi trồng ở khu đất dự án, đất chuyển đổi trang trại kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược, rô phi và một số cá nước lợ truyền thống. Giá trị bình quân hằng năm từ việc nuôi thủy sản mang lại ước đạt từ 250 – 320 triệu đồng/ha. Nhiều hộ đầu tư nuôi theo hình thức công nghiệp, có kinh nghiệm chăm sóc, đạt doanh thu từ 300 triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm, điển hình như hộ ông Lê Thế Hưng, ở thôn 7, có tổng diện tích 1 ha nuôi trồng thủy sản được chia thành 6 ao nuôi cá chuối hoa, tôm thẻ chân trắng, cá truyền thống… và 10 tháng năm 2021 đạt doanh thu gần 800 triệu đồng, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài 3 ao nuôi riêng cá chuối hoa, 3 ao còn lại ông thả ghép tôm thẻ chân trắng với các loại cá: trắm đen, chép gù, diêu hồng… Ông Hưng cho biết: Nuôi ghép tôm thẻ với các loại cá vừa tận dụng được thức ăn thừa của cá cho tôm ăn, vừa làm sạch môi trường, an toàn dịch bệnh, tuy năng suất tôm chỉ đạt 60 -80kg/1.000m2, trọng lượng bình quân đạt 70 con/kg, nhưng có thể thả 3 vụ/năm.
Đồng chí Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết: Nuôi trồng thủy sản là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã. Do vậy đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo, định hướng bà con tích cực đẩy mạnh việc tu bổ ao đầm, hệ thống tiêu nước, nhất là trong mùa mưa bão; tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, tay nghề cho người nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xã chủ động khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn và chủ động hơn trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Trường Giang còn gặp một số khó khăn, như: Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người nuôi chưa cao, chất thải, nước thải tự ý xả ra môi trường chưa qua xử lý, ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương, khiến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng không được đầu tư tu sửa, xuống cấp nên nhiều vùng còn gặp khó khăn trong việc lấy nước, xả nước để cải tạo ao đầm. Những năm gần đây, thời tiết khí hậu thường xuyên biến đổi cũng gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Mặt khác, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giá của nhiều loại thủy sản bị giảm mạnh. Giá các loại tôm, cua giảm từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg, giá cá trắm cỏ, cá chép… giảm từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg so với trước; nhiều loại tôm, cá đã đến thời gian thu hoạch nhưng chưa thể xuất bán…
Thời gian tới, xã Trường Giang tiếp tục chỉ đạo củng cố các mô hình nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện để người dân mở rộng vùng nuôi, lựa chọn các đối tượng phù hợp, nghiên cứu tìm kiếm những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tích cực phối hợp mở thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản; các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung để phát triển nuôi thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, xã đang khảo sát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi trồng thủy sản trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, xã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Giang tìm kiếm thị trường trong tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi; kết hợp chặt chẽ giữa nuôi và tiêu thụ sản phẩm với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản.
Bài và ảnh: Minh Hà
Nguồn: Báo Thanh Hóa