Thứ Sáu, 23/07/2021, 11:00

Một số lưu ý khi nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi

Tôm càng xanh là đối tượng có giá trị kinh tế, có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tỉnh, năm 2021, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tiếp tục thực hiện Dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Dự án được thực hiện tại 8 hộ, tổng quy mô 4,7 ha thả 470.000 con giống. Trong đó, huyện Lệ Thủy 2,6ha; huyện Quảng Ninh 1,5ha; TP. Đồng Hới 0,6 ha.
Dự án được triển khai từ tháng 3/2021, đến nay, sau 3 tháng nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt phù hợp với điều kiện nuôi; tỷ lệ sống ước đạt 60-65%, trọng lượng tôm đạt khoảng 100-150 con/kg.
Được biết, trước khi đưa con giống vào thả nuôi, Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Phố biến những kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trong nuôi tôm càng xanh để các hộ nuôi thực hiện tốt đảm bảo các yêu cầu Dự án đề ra.
Theo chị Hồ Thị Thủy, Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật, khi nuôi tôm càng xanh cần lưu ý một số yếu tố trong quá trình nuôi như:
Địa điểm nuôi phải chủ động nguồn nước cấp, nếu nhiễm mặn thì độ mặn không quá 10‰. Vị trí xây dựng ao có giao thông thuận tiện, có lưới điện, tránh các vùng ô nhiễm, có an ninh trật tự tốt… Bờ ao phải đủ cao, tránh được lũ tiểu mản và gia cố chắc chắn, đảm bảo giữ được mực nước trong ao từ 1 – 1.5m
Trong vùng nuôi thường có nhiều địch hại như; cá tạp, tép, ốc, chim cò…cạnh tranh thức ăn, môi trường sống làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Vì vậy khâu chuẩn bị ao rất quan trọng cần cải tạo ao kỹ, bơm cạn nước, tu sữa lại bờ ao, cống cấp thoát nước, vét bớt lớp bùn đáy cỏ cây, bắt và diệt ốc, diệt cá tạp bằng Saponin, sau đó diệt khuẩn nước bằng Iodine và kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp mới thả giống. Có hệ thống quạt nước hoặc máy bơm tăng cường oxy cho ao, đặc biệt khi tôm lớn tránh nổi đầu do thiếu khí.
Do đặc tính của tôm càng xanh ăn nhau rất dữ, nên khi lột xác nếu không có nơi trú ẩn, hoặc thức ăn không đảm bảo chúng ăn thịt lẫn nhau làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Vì vậy trong ao cần thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm.
Chọn giống tôm cũng rất quan trọng, tôm được sản xuất nhân tạo (giống toàn đực), có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất ở cơ sở có uy tín, kích cỡ đồng đều, đạt tiêu chuẩn giống đưa vào nuôi thương phẩm.
Số lượng thức ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, tình hình thời tiết, thông qua thức ăn còn lại trong nhá và kiểm tra đường ruột của tôm để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp, tránh hiện tượng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, tôm dễ phát sinh bệnh.
Đặc biệt, đối với tôm càng xanh việc thay nước rất cần thiết, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 – 30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong và ngoài ao nuôi, phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm. Định kỳ cần diệt khuẩn nước, sử dụng men xử lý đáy để cải thiện nền đáy.
Các hộ cần thường xuyên theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…) cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ao để có những điều chỉnh về lượng thức ăn, quạt nước, sục khí… để có giải pháp hợp lý.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ thực hiện Dự án, chăm sóc quản lý tốt để đạt kết quả theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đặng Thùy Trang

Nguồn: snn.quangbinh.gov.vn